Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỹ lưỡng trong nghiên cứu, cẩn trọng khi triển khai

Tuấn Lương| 19/08/2013 06:16

(HNM) - Báo Hànộimới số ra ngày 8-8 có đăng bài



Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về dự án, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với đại diện cơ quan chức năng liên quan, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề.

BRT là loại hình vận tải khách công cộng (VTKCC) khối lượng lớn, trên thế giới thường sử dụng loại xe khớp nối từ 1 đến 3 toa. Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Để phù hợp với điều kiện hạ tầng của Hà Nội nên TP đã lựa chọn loại xe 1 toa, sức chứa 90 hành khách, tần suất 3 - 5 phút/chuyến, tốc độ khoảng 25km/h. Đặc biệt, do tần suất hoạt động của xe buýt BRT rất lớn nên cần phải có đường dành riêng ưu tiên. BRT là loại hình VTKCC tiên tiến, thời gian xây dựng ngắn, suất đầu tư về hạ tầng và phương tiện thấp (chỉ bằng 1/10 xe điện nhẹ, 1/20 xe điện ngầm và có sức chuyên chở lớn). So với các loại hình VTKCC khác, BRT có ưu điểm là tính linh hoạt cao, vốn đầu tư thấp, thời gian hoàn vốn nhanh. Loại hình xe buýt BRT đang được áp dụng rất thành công ở các nước Mỹ La tinh, đây là những nước đang phát triển và có đặc điểm kinh tế, hệ thống hạ tầng giao thông giống Việt Nam. Tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tài trợ vốn để triển khai thí điểm tuyến BRT Bến xe Kim Mã - Yên Nghĩa, với chiều dài khoảng 14,7km. Dự kiến, tuyến xe buýt nhanh BRT sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2014.

Xây dựng tuyến xe buýt nhanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho vận tải hành khách công cộng. Ảnh: Lê Tuấn


Giải thích về việc tại sao phải làm đường dành riêng cho BRT và cào bóc mặt đường bê tông nhựa hiện tại, ông Nguyễn Xuân Tân cho rằng, tải trọng xe BRT lớn nên đòi hỏi kết cấu mặt đường phải phù hợp. Nếu sử dụng bê tông nhựa cho BRT, mặt đường sẽ nhanh chóng bị biến dạng, hư hỏng. Theo tính toán, tải trọng của xe BRT là 18 tấn thì cường độ mặt đường (E) yêu cầu phải lớn hơn hoặc bằng 230MPa, và chỉ có mặt đường bê tông mới đáp ứng được. Trong khi đó, cường độ mặt đường nhựa thực tế thấp hơn nhiều, ví dụ đường Lê Văn Lương (đoạn từ Km8 + 700 - Km10+640), E chỉ bằng 155,2MPa không đáp ứng được yêu cầu. Mặt khác, xe BRT có đặc điểm là xe buýt chạy với tần suất rất cao (khoảng 3 - 5 phút/chuyến) với tốc độ nhanh và phải dừng đỗ thường xuyên tại các nhà chờ. Từ các yếu tố trên đòi hỏi phải có đường dành riêng. Đoạn 3,3km phải cào bóc để thay thế bằng đường bê tông là do không bảo đảm các yếu tố chất lượng dành cho xe buýt nhanh BRT.

Theo đại diện lãnh đạo UBND TP Hà Nội, ban đầu Hà Nội và nhà tài trợ WB nghiên cứu triển khai hai tuyến BRT là tuyến Bến xe Kim Mã - Yên Nghĩa và tuyến dài 10,9km chạy từ hồ Hoàn Kiếm đến Quang Lai-Văn Điển bám theo trục đường Giải Phóng. Tuy nhiên, sau nhiều hội nghị, trên cơ sở đóng góp của các cơ quan chức năng và các chuyên gia lĩnh vực giao thông, TP quyết định trước mắt thí điểm đầu tư một tuyến. Sau khi khai thác sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng. Tất cả công tác chuẩn bị đầu tư, lập dự án… đều được thực hiện kỹ lưỡng, bài bản với sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định 169/TTg-CN. Nhiều bộ, ngành liên quan như Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, GTVT, Tài nguyên và Môi trường… đã tích cực đóng góp để hoàn thiện dự án. Tại văn bản số 745/BXD-KSTK trả lời kết quả thẩm định thiết kế cơ sở hợp phần BRT Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Bộ Xây dựng đã chỉ rõ: Dự án áp dụng theo quy chuẩn xây dựng và các tiêu chuẩn xây dựng áp dụng Việt Nam, có tham khảo các tiêu chuẩn của Mỹ (ASSHTO) và Nhật Bản (JIS)… Kết cấu mặt đường BRT bằng bê tông dày 30cm, hai lớp giấy dầu tẩm nhựa, cấp phối đá dăm loại 1 dày 25cm. Thiết kế cơ sở này phù hợp với chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam, có tham khảo các tiêu chuẩn của Mỹ và Nhật Bản... là phù hợp với quy định hiện hành.

Theo UBND TP, trong quy hoạch phát triển GTVT Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội sẽ có 8 tuyến BRT. Tuy nhiên, trong tương lai có triển khai các tuyến khác hay không còn phụ thuộc rất lớn vào sự thành công của tuyến thí điểm này. Hiện tại, loại hình VTKCC bằng xe buýt thường đã đến ngưỡng, trong khi tàu điện ngầm có lẽ còn lâu nữa mới có, BRT được coi là giải pháp cho hoạt động VTKCC của Thủ đô. Khi tuyến buýt BRT thí điểm Bến xe Kim Mã - Yên Nghĩa hoạt động sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại
của người dân, góp phần giảm phương tiện cá nhân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỹ lưỡng trong nghiên cứu, cẩn trọng khi triển khai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.