Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực của chính quyền: Chưa đủ!

Hà Hiền| 23/07/2014 06:44

(HNM) - Năm 2014, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành và chính quyền sở tại, bộ mặt phố phường ở quận Đống Đa đã có sự chuyển biến tích cực, nếp sống văn minh đô thị từng bước được chấn chỉnh. Tuy nhiên, việc xử lý biển hiệu, biển quảng cáo không đúng quy định trên địa bàn quận còn có sự hạn chế bởi cơ chế quản lý thiếu đồng bộ.

Nỗ lực chỉnh trang đô thị

Mật độ dân cư trên địa bàn quận Đống Đa lên tới 40.000 người/km2, thuộc loại cao nhất thành phố. Toàn quận hiện có 68 tuyến phố, trong đó có nhiều tuyến phố là nơi diễn ra hoạt động kinh doanh sôi động như Xã Đàn, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Thái Hà, Chùa Bộc… đồng thời là nơi đặt trụ sở hoạt động của hơn 5.000 cơ quan, doanh nghiệp và gần 10.000 hộ kinh doanh cá thể. Đặc điểm hoạt động kinh tế cộng với sự thiếu đồng bộ trong các văn bản quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời khiến cho bộ mặt đô thị trên địa bàn quận Đống Đa có phần lộn xộn. Số liệu thống kê của Phòng Văn hóa - Thông tin quận cho thấy, đến tháng 4 vừa qua, tuyến đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn vẫn còn hơn 600 biển hiệu, biển quảng cáo, biển vẫy sai quy định; tuyến Huỳnh Thúc Kháng - Thái Hà - Chùa Bộc còn hơn 300 biển hiệu và tuyến Giảng Võ - Láng Hạ còn hơn 100 biển hiệu cần phải xử lý…

Biển quảng cáo của các cửa hiệu trên đường Xã Đàn. Ảnh: Như Ý



Căn cứ vào tình hình thực tế, UBND quận Đống Đa đã ban hành Kế hoạch số 71 ngày 25-4 về việc huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể và các phường trên địa bàn vào việc xử lý sai phạm về nếp sống văn minh - trật tự đô thị trên 9 tuyến phố trọng điểm. Phòng Văn hóa - Thông tin quận đã biên soạn các mẫu thông báo, mẫu cam kết; lựa chọn và trích dẫn các quy định về quy chuẩn biển quảng cáo, biển hiệu, về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo để gửi đến 21/21 phường, tạo căn cứ tuyên truyền và xử lý vi phạm. Cùng với việc thực hiện giải pháp tuyên truyền, các phường đã mời đại diện các hộ kinh doanh, cơ quan, đơn vị có biển quảng cáo, biển hiệu sai phạm đến làm việc. Sau khi giải đáp mọi thắc mắc, các phường tổ chức cho các hộ ký cam kết tự tháo dỡ biển quảng cáo, biển hiệu sai quy định. Bằng những biện pháp này, sau các đợt ra quân, quận Đống Đa đã tháo dỡ toàn bộ 7 biển quảng cáo, xóa nội dung của 54 biển quảng cáo khác và hơn 1.200 biển hiệu cũng như toàn bộ biển dọc, biển vẫy trên 9 tuyến phố trọng điểm. Các phường đã tổ chức, bóc, xóa hơn 95% diện tích quảng cáo rao vặt (QCRV) trên các mặt phố, hơn 80% diện tích QCRV trong các mặt ngõ. Hệ thống bảng QCRV miễn phí được duy trì hoạt động tương đối tốt. Hiện nay, quận đang triển khai đầu tư thêm 16 bảng QCRV miễn phí để có thể đáp ứng nhu cầu QCRV của các tổ chức, cá nhân một cách tốt hơn.

Vẫn vướng về cơ chế

Những nỗ lực nói trên của các ngành, đoàn thể quận Đống Đã đã góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị, từng bước xây dựng nếp sống văn minh đô thị, tiếc rằng việc xử lý biển quảng cáo, biển hiệu vi phạm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải, trước khi có Luật Quảng cáo, việc lắp dựng biển quảng cáo, biển hiệu không cần phải xin giấy phép xây dựng; nhưng, từ khi luật ra đời, nơi nào muốn lắp dựng biển quảng cáo, biển hiệu có diện tích bề mặt từ 20m2 trở lên thì bắt buộc phải xin giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, công tác cấp phép xây dựng đối với biển quảng cáo có diện tích lớn hơn 20m2 hiện chưa được các ngành chức năng triển khai cụ thể; văn bản hướng dẫn công tác xử lý đối với biển QC, biển hiệu lớn hơn 20m2 tồn tại trước khi có Luật Quảng cáo cũng chưa có; hồ sơ thông báo thực hiện nội dung quảng cáo đối với loại biển quảng cáo này chưa được Sở VH,TT&DL Hà Nội thụ lý giải quyết. Đáng nói hơn, trách nhiệm của các cơ quan trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp lắp dựng biển quảng cáo, biển hiệu có diện tích từ 20m2 trở lên mà không có giấy phép lại chưa rõ ràng, cụ thể; quy định về yêu cầu kỹ thuật đối với biển hiệu lắp dựng trên công trình, nhà ở theo nội dung Luật Quảng cáo còn chung chung, khiến cho việc vận dụng hết sức khó khăn.

"Vì những lý do này, việc xử lý biển quảng cáo vi phạmchủ yếu mới là xử lý phần nội dung, chưa tháo được chân khung. Hiện nay, trên địa bàn quận Đống Đa vẫn còn 48 biển quảng cáo vi phạm chưa thể xử lý. Trong quá trình xử lý biển hiệu sai quy định, quận Đống Đa đã dùng đến xe cẩu nâng của Công ty Điện lực Đống Đa, máy xúc cỡ nhỏ, máy khoan bê tông… nhưng do một số biển hiệu được treo quá cao nên vẫn chưa thể tháo dỡ. Với những trường hợp "cá biệt" này, quận buộc phải tiếp tục ký cam kết vận động chủ nhà tự tháo dỡ. Nếu có một cơ chế quản lý và xử lý chặt chẽ, đồng bộ hơn, chắc chắn tình trạng lộn lộn biển quảng cáo, biển hiệu, biển vẫy… trên địa bàn quận Đống Đa nói riêng, trên toàn TP Hà Nội nói chung sẽ có sự chuyển biến tích cực", ông Nguyễn Trọng Hải khẳng định.

Từ thực tế tồn tại của quận Đống Đa, hy vọng quy hoạch quảng cáo ngoài trời và cơ chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời sẽ được hoàn thiện sớm, tạo cơ sở cho các cơ quan chức năng "mạnh tay" với nạn quảng cáo sai quy định, giúp cho phố phường Hà Nội ngày càng sạch đẹp, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực của chính quyền: Chưa đủ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.