Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyền lợi người dân là mục tiêu số một

Tuấn Lương| 24/04/2015 06:32

(HNM) - Thành phố Hà Nội đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết mạng lưới vận tải hành khách (VTHK) tuyến cố định liên tỉnh đường bộ trên địa bàn đến năm 2020 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quan điểm của lãnh đạo thành phố và Sở GTVT Hà Nội là quy hoạch phải bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân. Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng phải xác định đặt quyền lợi của người dân là nguyên tắc xuyên suốt trong xây dựng quy hoạch thì quy hoạch mới bảo đảm tính khả thi.

Các bến xe khách liên tỉnh ở Hà Nội sẽ được sắp xếp, tạo thuận lợi cho người đi lại.. Ảnh: Bá Hoạt


Xung đột về lợi ích

Hoạt động VTHK liên tỉnh trên địa bàn Hà Nội có những bước phát triển nhanh trong những năm gần đây. Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện có hơn 400 DN VTHK liên tỉnh với trên 4.000 xe tham gia VTHK đi và đến Hà Nội, đảm nhận được 60,5 triệu lượt hành khách/năm. Về kết cấu hạ tầng và luồng tuyến, Hà Nội có 10 bến và trạm xe khách, 540 tuyến VTHK cố định liên tỉnh, trong đó tới 83,5% là các tuyến có cự ly dưới 300km.

Tuy nhiên, theo thừa nhận của Sở GTVT Hà Nội, công tác quản lý hoạt động VTHK tuyến cố định liên tỉnh thời gian qua vẫn bộc lộ một số bất cập: Giá cước vận tải còn cao, đặc biệt vào những đợt cao điểm lễ Tết; công tác kiểm tra, giám sát hoạt động các tuyến được cấp phép chưa sát sao, dẫn đến tình trạng tranh giành khách, dừng đỗ sai quy định, chèn ép khách, mất an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, việc các xe hợp đồng, xe "dù" trá hình hoạt động VTHK liên tỉnh đã tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt tại các tuyến có nhu cầu cao như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An…; trên thị trường đã xuất hiện một số DN, hợp tác xã vận tải đưa xe hợp đồng vào khai thác tuyến cố định không chấp hành quy định của Nhà nước.

Đặc biệt, thời gian gần đây, công tác quản lý VTHK tuyến cố định liên tỉnh càng trở nên "nóng" hơn bao giờ hết khi trên nhiều diễn đàn, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc Bến xe Nước Ngầm - cho rằng, Sở GTVT Hà Nội không công bằng, minh bạch trong việc bố trí, sắp xếp luồng tuyến và có biểu hiện ưu tiên cho các bến xe của Nhà nước, chèn ép bến xe tư nhân hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Thậm chí, Sở GTVT Hà Nội còn đi ngược lại ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội về việc bố trí luồng tuyến theo hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, tức là xe đi hướng nào phải sắp xếp về bến xe ở hướng đó.

Bến xe cho ai?

Trao đổi với PV Báo Hànộimới xung quanh việc xây dựng quy hoạch bến xe và luồng tuyến vận tải của Hà Nội, một số chuyên gia cho rằng, việc tranh cãi luồng tuyến và xung đột về lợi ích là điều thường xuyên xảy ra ở các địa phương có nhu cầu vận tải cao. Việc một hay vài DN bỏ vốn đầu tư bến bãi, phương tiện vận tải, nhưng vào một số thời điểm khó khăn bày tỏ bức xúc hoặc trong quá trình xây dựng và hoàn thiện quy hoạch (như các địa phương của cả nước đều phải thực hiện), một số DN tìm cách vận động nhằm đạt mục đích cho cá nhân, DN mình cũng là điều dễ hiểu. Điều quan trọng là khi lập quy hoạch, TP Hà Nội và đặc biệt là Sở GTVT Hà Nội phải đặt ra câu hỏi bến xe cho ai và luồng tuyến cho ai? Phải xác định một nguyên tắc xuyên suốt và nhất quán là phải lấy người dân (tức hành khách) là đối tượng trung tâm, là ưu tiên số một của phục vụ vận tải. Khi đó, tự khắc quy hoạch sẽ khả thi. Không gì có thể đứng trên quyền lợi của người dân.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo một đơn vị quản lý bến xe phân tích, hành khách luôn lựa chọn bến xe và điểm đón khách thuận tiện nhất (có tính kết nối cao bằng các phương thức vận tải công cộng (xe buýt, xe buýt nhanh, tàu điện, taxi…). Do đó, quy hoạch bến xe, luồng tuyến phải ưu tiên cho sự lựa chọn này của người dân. Nếu hành khách phải di chuyển đến bến xe quá xa sẽ lãng phí thời gian, chi phí và gây áp lực lên giao thông thành phố. Cùng với đó, các loại chi phí xã hội đều tăng lên.

Tiếp sau người dân là lợi ích của các DN vận tải bởi đây cũng chính là khách hàng của các bến xe và bến phải có các chế độ ưu đãi nhằm thu hút khách hàng. Trong cơ chế thị trường, càng nhiều chế độ ưu đãi phù hợp về thuế phí và chất lượng dịch vụ thì sẽ càng được khách hàng lựa chọn nhiều. Với mức đầu tư 3-4 tỷ đồng/xe, mỗi DN, hợp tác xã có hàng chục xe, thậm chí nhiều hơn thì họ càng muốn lựa chọn bến phù hợp với luồng tuyến ổn định. Sự mất ổn định luồng tuyến nhiều khả năng sẽ đưa DN tới bờ vực phá sản. Khi đầu tư bến xe, DN kinh doanh bến phải dựa trên quy hoạch luồng tuyến, lưu lượng hành khách để tính toán hiệu quả trước khi quyết định đầu tư chứ không phải lập bến xe rồi bắt Nhà nước phải bố trí luồng tuyến. Về phía Nhà nước, phải bảo đảm điều hòa các lợi ích nói trên và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và kiểm soát để không dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, phá vỡ thị trường.

Vào điều kiện, hoàn cảnh hiện nay, Hà Nội có cần lập quy hoạch bến xe, luồng tuyến theo các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc? Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Hà Nội có nhiều bến xe ở các khu vực. Hiện nay, nhu cầu VTHK rất đa dạng. Không phải ở phía Tây, người ta chỉ đi phía Tây nên nếu quan điểm giản đơn là phía Tây chỉ đi phía Tây thì hành khách sống tại các khu vực khác phải chịu thêm một chuyến đi nữa, tăng chi phí, tăng thời gian, tác động vào giao thông đô thị. Hơn nữa, giao thông đô thị tại Hà Nội đã hình thành tuyến vành đai khá rõ. Các bến xe đều đã có thể kết nối vào vành đai và không phải đi xuyên tâm. Do đó, để đáp ứng nhu cầu nhanh chóng, tiện lợi, giảm chi phí cho người đi lại, không nhất thiết bến xe phía nào chỉ đi phía đó. Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội đã có các buổi họp bàn xây dựng quy hoạch và đã cơ bản thống nhất quan điểm này, ông Nguyễn Văn Quyền khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền lợi người dân là mục tiêu số một

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.