Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi bất cập hại

Hà Phạm| 02/10/2015 07:01

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh vừa giao Sở GT-VT chủ trì nghiên cứu việc trồng cây dừa trên các tuyến đường mới mở và ven kênh rạch. Điều này đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng tình của chuyên gia, nhà khoa học lẫn người dân vì xét trên mọi góc độ, cây dừa hoàn toàn không phù hợp với một đô thị lớn nhất cả nước này.

Giá trị kinh tế bị đặt nhầm chỗ

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Dừa Việt Nam (đơn vị đề xuất với HĐND, UBND TP Hồ Chí Minh về việc trồng dừa trên phố), mỗi năm 1 cây dừa tạo ra 12 lá và 12 quầy trái, cho bình quân 60 đến 80 trái/cây/năm. Nếu chọn dừa là cây xanh chủ lực thì tiết kiệm một phần ngân sách không nhỏ. Nếu không muốn để dừa ra trái, ta còn có công nghệ chiết xuất mật hoa dừa, mỗi hoa cho bình quân từ 30 đến 45 lít mật/tháng. Mặt khác, TP Hồ Chí Minh có hơn 500km đường ven kênh, nếu mật độ trồng 5m/cây thì hai bên bờ kênh có thể trồng được 100.000 cây dừa. Sau 4 đến 6 năm dừa sẽ cho thu hoạch mỗi tháng 100.000 quầy dừa và 100.000 chiếc lá, bảo đảm nuôi sống cho một cộng đồng làng nghề khoảng 20 hộ làm chổi, hoặc giỏ quà và những sản phẩm khác có giá trị kinh tế.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất trồng dừa tại các tuyến đường mới và ven kênh, rạch
ở TP Hồ Chí Minh là không phù hợp.


Trước lập luận trên, TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh cho rằng, đặc điểm cây dừa khi trồng rễ cây ăn sâu và tỏa ra đường kính rộng nên cần những vùng đất rộng và mang tính chuyên canh cao, có giá trị kinh tế cao như ở Bến Tre, Quy Nhơn hay Nha Trang. Mặt khác, trồng dừa ven bờ biển với mục đích giữ đất, chống sạt lở là đúng chứ chưa ai đem trồng trên các tuyến phố do phải thêm kinh phí cho lực lượng chăm sóc, cắt tỉa cành, trái. Thứ hai, nếu trồng dừa không lấy trái mà chiết xuất mật hoa sẽ làm cho cây dừa xơ xác, trơ trọi và không bảo đảm tuổi thọ, đồng nghĩa rất mất an toàn cho người đi đường, đặc biệt việc xử lý mật hoa sẽ tốn kém, lãng phí.

"Nếu đề xuất Hiệp hội Dừa được chấp thuận, trong tương lai sẽ tạo tiền lệ cho các hiệp hội khác đề xuất những cây trồng tương tự. Nếu đề xuất của các hiệp hội đều được duyệt thì không thể hình dung đô thị TP Hồ Chí Minh sẽ rối loạn và bị phá vỡ quy hoạch như thế nào?", TS Phạm Sanh lo lắng.

Còn theo PGS.TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu (WACC) TP Hồ Chí Minh, xét về mặt kinh tế, trồng dừa ở đô thị sẽ không mang lại hiệu quả. Ở xứ dừa Bến Tre, người ta trồng tập trung với diện tích lớn nên tiện công chăm sóc và dễ thu hoạch. Còn trồng dừa tại TP Hồ Chí Minh dọc các tuyến kênh, rạch và dọc đường phố sẽ rải rác, không thể chuyên canh được, công hái dừa rất tốn kém. Bên cạnh đó, phải huy động lực lượng lao động đông và tiền bán dừa cũng khó bù lại được tiền thuê nhân công. "Việc trồng cây dừa ven kênh, rạch hay các tuyến đường, liệu có đủ mặt bằng cho việc thu hoạch? Từ đó, tác dụng ngược sẽ gây mất trật tự đô thị, an toàn giao thông không được bảo đảm", PGS.TS Hồ Long Phi nhấn mạnh.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu trồng trong đô thị, giá trị kinh tế của dừa mang lại bị đặt nhầm chỗ. Đơn cử, theo đề xuất đây không phải là dừa nước nên sẽ không chịu được úng ngập. Do đó, khi gặp triều cường hay mưa ngập, dừa bị thối rễ và chết hàng loạt. Mặt khác, giả thiết nếu 100.000 cây dừa (theo tính toán ban đầu) được trồng trên các tuyến đường mới và ven kênh, rạch, cùng xen lẫn với hệ thống cây xanh hiện hữu thì không gian đô thị sẽ rối loạn ra sao? Đáng lo ngại, cây dừa có thể "giết chết" các loại cây xanh có giá trị khác.

Dự kiến, trong tuần tới, Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức cuộc họp cùng các đơn vị liên quan và các nhà khoa học cho ý kiến về việc có nên trồng cây dừa hay không. Sau đó, Sở GT-VT sẽ báo cáo chi tiết về việc này lên UBND thành phố xem xét.

Không an toàn, phá hỏng hạ tầng giao thong

Trao đổi với Báo Hànộimới, PGS.TS Chế Đình Lý, nguyên Phó Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trồng cây dừa trong đô thị là không phù hợp nếu xét trên mọi phương diện, bởi đặc điểm cây dừa ít bóng mát, trong khi với việc gia tăng biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt áp lực đô thị tại TP Hồ Chí Minh ngày càng cao, rất cần cây nhiều bóng mát để giảm nhiệt. Thứ hai, về mặt an toàn, trồng cây dừa không an toàn, vì đặc điểm lá dừa dài, khi gặp mưa gió dễ gãy rụng, còn thân dừa cao và mỏng manh, phải gánh hàng chục đến hàng trăm trái dừa, nếu rơi xuống sẽ rất nguy hiểm cho người và phương tiện. Thứ ba, xét về mặt cảnh quan đô thị, cây dừa không đẹp bằng nhiều cây xanh khác nên không đạt yêu cầu.

Mặt khác, PGS.TS Hồ Long Phi cho rằng, trồng dừa trong đô thị chưa thấy cái lợi mà phiền hà nhiều hơn. Điều dễ nhận thấy nhất là do rễ cây dừa ăn sâu, vươn ra rộng và dày đặc, khi trồng trên hệ thống hạ tầng giao thông sẽ phá hỏng gạch đá, bê tông và hệ thống hạ tầng giao thông nói chung.

Đứng trên góc độ cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý và Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GT-VT) cho rằng, nếu cây dừa được trồng ven các tuyến đường mới đã được bê tông hóa thì rất không nên do rễ chùm của cây dừa sẽ phá hỏng đường sá, phá kết cấu bê tông và vỉa hè.

Theo các chuyên gia, việc chọn chủng loại cây gì để trồng trong đô thị là rất quan trọng, nếu chọn sai chủng loại cây sau này có thể phải trả giá đắt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lợi bất cập hại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.