Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải pháp nào cho phát triển đô thị xanh, hạn chế biến đổi khí hậu?

Lan Hương| 06/10/2015 14:35

(HNMO) - Theo khuyến nghị của các nhà hoạch định, giới phân tích, để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, năng lượng... trong phát triển đô thị một cách bền vững, Việt Nam cần có những hành động quyết đoán và những giải pháp đồng bộ.

Năng lượng tiêu hao từ các tòa nhà, khu đô thị lớn, tác động xấu đến khí hậu

Tại Việt Nam hiện nay, năng lượng tiêu thụ cho các khu vực toà nhà, đặc biệt là các công trình nhà ở và công trình công cộng cao tầng ngay từ năm 1994 đã chiếm khoảng 23%-24% trên tổng số năng lượng tiêu dùng. Tỷ lệ này tăng lên rất nhiều trong vòng thời gian gần đây khi các đô thị phát triển rất mạnh mẽ và nguồn vốn đầu tư nước ngoài gia tăng đáng kể.

Theo Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng), số lượng đô thị của Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ 629 vào năm 1999 lên tới 772 vào năm 2014. Dự kiến, số lượng đô thị tiếp tục phát triển đến con số 870 vào năm 2015 và 960 vào năm 2020.

Chỉ tính riêng Hà Nội và TP HCM đã có hàng trăm dự án các khu đô thị mới và rất nhiều công trình nhà ở, căn hộ cao tầng được xây dựng hoàn thiện, trong đó phần lớn đã đi vào sử dụng. Song các chủ đầu tư chưa quan tâm đến những biện pháp để tiết kiệm năng lượng cũng như chưa tính đến hiệu quả kinh tế và xã hội của các biện pháp này.

Nhiều công trình khách sạn cao tầng cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại có diện tích sàn sử dụng trên 10.000m2 và tiêu thụ điện năng lớn hơn 2 triệu KWh/năm, trong quá trình vận hành cũng chưa tiến hành công tác kiểm toán năng lượng.

Phần lớn các công trình khách sạn và công trình cao tầng mới xây dựng từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài thường được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn của nước ngoài, không thích hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên và kinh tế kỹ thuật của Việt Nam. Vì thế sử dụng nhiều năng lượng một cách không hợp lý và có nhu cầu sử dụng năng lượng lớn.

Đa số các công trình công cộng như các toà nhà hành chính, trường học, bệnh viện… được xây dựng trước đây đều dựa trên tiêu chuẩn thiết kế thấp, sử dụng các thiết bị lạc hậu có hiệu suất năng lượng chưa cao. Mặt khác, do hạn chế của điều kiện kinh tế xã hội, việc sử dụng năng lượng trong những công trình này kém hiệu suất, gây lãng phí.

Theo kết quả điều tra tổng quan tiềm năng tiết kiệm năng lượng do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện, những bất hợp lý trong các giải pháp thiết kế công trình, đặc biệt là phần vỏ công trình kém hiệu quả cách nhiệt và lắp đặt thiết bị đã làm thất thoát nguồn năng lượng sử dụng trong công trình xây dựng là 20-30%.

Mặc dù có nhiều các nghiên cứu trong lĩnh vực kiến trúc nhưng trên thực tế, kết quả chưa đạt được là bao. Ví như thực trạng phát triển kiến trúc ở đô thị Việt Nam: Sự khai thác không đi đôi với bù đắp dẫn đến sự mất đi tài nguyên cây xanh, mặt nước đô thị, phát triển không đồng bộ dẫn đến vấn đề đầu tư bị chồng lặp, thiếu sự phối kết hợp để phát huy hiệu quả tổng hợp.

Tăng trưởng xanh là nhiệm vụ trọng tâm trong sự phát triển xây dựng của đô thị hiện nay.


Cần có giải pháp đồng bộ, phát triển đô thị xanh

Theo ông Kandeh K.Yumkella - Tổng giám đốc Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), để phát triển đô thị theo hướng xanh, các công cụ quy hoạch đô thị và quản lý môi trường cần được áp dụng song hành để đạt được tính đồng vận trong việc sử dụng tài nguyên và hiệu suất sử dụng tài nguyên, quản lý môi trường, phát triển công nghiệp, kinh tế và xây dựng một môi trường lành mạnh cho người dân. Ở cấp độ thành phố, chính quyền cần cung ứng những dịch vụ môi trường cần có để cải thiện cuộc sống cho người dân như dịch vụ vệ sinh, quản lý chất thải, sử dụng năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo. Như vậy, các ngành công nghiệp đóng trong các thành phố sẽ sử dụng tài nguyên hiệu quả và ít ô nhiễm hơn. Với doanh nghiệp, năng suất sử dụng tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm sẽ được cải thiện qua việc ưu tiên và áp dụng công nghệ tiêu thụ năng lượng thấp nhưng hiệu quả hơn.

Có thể lấy ví dụ, việc vừa đưa vào sử dụng những máy điều hòa thế hệ mới, tủ hệ thống quản lý năng lượng, bộ thông gió nhiệt thải và bộ quạt đảo gió sẽ giúp Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiết kiệm đến 830.261 kWh, tương đương 1,2 tỉ đồng/năm và giảm phát thải 518 tấn CO2/năm (theo đánh giá của Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM (ECC HCMC).

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC HCMC, cho biết thực hiện tiết kiệm năng lượng cho các bệnh viện không chỉ góp phần tiết kiệm năng lượng cho quốc gia, mà còn cải tạo thiết thực giúp môi trường trong lành hơn, nâng cao hơn chất lượng dịch vụ cho các bệnh viện… Bước đầu dự án bệnh viện xanh sẽ thực hiện mô hình thí điểm tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội). Dự án do Tập đoàn Mitsubishi viện trợ, dưới sự giám sát và quản lý của Nedo Nhật Bản và các đơn vị Việt Nam tham gia cùng thực hiện dự án.

Theo khuyến nghị của Bộ Xây dựng, để phát triển đô thị Việt Nam theo hướng xanh hóa và bền vững, đầu tiên cần phải tính toán từ khâu quy hoạch, kế hoạch. Theo đó, các quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái…Các quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế - sinh thái, thân thiện môi trường, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng. Đặc biệt, các quy hoạch đô thị cần đi trước một bước theo nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh mặt nước và đảm bảo các khu vực chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường.

Bên cạnh đó, cần đưa quan điểm phát triển xanh và tiêu chí xanh vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và không gian xanh đô thị. Sau đó là phải ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; sử dụng năng lượng tái tạo, đổi mới và sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sạch. Tiếp cận, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học - công nghệ trong phát triển công trình xanh, đô thị xanh cũng là giải pháp không thể thiếu.

Theo đó, việc tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường cũng như có chính sách thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh sẽ quyết định thành bại của con đường phát triển đô thị Việt Nam theo hướng xanh hóa.

- Công trình xanh là công trình đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng và vật liệu, giảm thiểu các tác động xấu tới môi trường; đồng thời được thiết kế để có thể hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng tới sức khỏe con người và môi trường tự nhiên thông qua sử dụng năng lượng, nước và các nguồn tài nguyên khác một cách hiệu quả; bảo vệ sức khỏe người sử dụng và nâng cao năng suất lao động; giảm thiểu chất thải, ô nhiễm và hủy hoại môi trường.

- Đô thị xanh là đô thị có nhiều không gian xanh, có chất lượng môi trường xanh như môi trường không khí sạch, môi trường nước sạch, môi trường đất trong đó có cả chất thải rắn sạch.


       * Bài viết trong loạt bài phục vụ: "Tuyên truyền nâng cao năng lực truyền thông  và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đổi khí hậu"

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nào cho phát triển đô thị xanh, hạn chế biến đổi khí hậu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.