Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch sởi xuất hiện tại Nghệ An

Thanh Hương| 13/10/2014 22:57

(HNMO) – Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nghệ An, đến ngày 13/10/2014, 49 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó chủ yếu là trẻ từ 1 đến 12 tuổi đã được ghi nhận tại bản Piêng Cooc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương.

Các cháu mắc sởi đang được điều trị tại “bệnh viện dã chiến” ở điểm Trường Tiểu học Mai Sơn tại xã Mai Sơn. Ảnh: Nhia Xừ/Sài Gòn Giải phóng


Bản Piêng Cooc là bản nằm sát biên giới với Lào có điều kiện đi lại rất khó khăn và cách trung tâm huyện Tương Dương khoảng 200 km, mất khoảng một ngày di chuyển cả bằng xe ô tô, xe máy và đi thuyền; hầu hết người dân ở đây là đồng bào dân tộc H’Mông và đồng bào Thái thường xuyên đi làm dài ngày trên nương nên ít tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế. Kết quả điều tra cho thấy việc tiêm phòng sởi tại bản Piêng Cooc là rất khó khăn, tỷ lệ tiêm phòng sởi những năm trước đây không cao. Thêm vào đó việc giao lưu của các hộ dân ở đây với bản Pà Đánh của nước bạn Lào là khá thường xuyên do điều kiện đi lại thuận lợi hơn, trong khi thời gian đầu tháng 9/2014, tại bản Pà Đánh đã ghi nhận dịch sởi và có các trường hợp tử vong.

Ngay sau khi nhận được thông tin về ổ dịch sởi tại bản Piêng Cooc, xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, Bộ Y tế đã chỉ đạo ngành y tế tỉnh Nghệ An triển khai giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm và cử các đội chống cơ động, đội cấp cứu lưu động để tiến hành xử lý ổ dịch một cách triệt để; tập trung các nguồn lực tổ chức, khám, điều trị chăm sóc và cách ly các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại xã Mai Sơn, huyện Tương Dương không để xảy ra các trường hợp tử vong do sởi; tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella đạt tỷ lệ trên 95% trên quy mô xã, phường, thị trấn, tiêm ngay đối với các huyện, xã thuộc vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có nguy cơ xảy ra dịch; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp phòng chống bệnh sởi về lợi ích, hiệu quả của tiêm chủng phòng bệnh, vận động gia đình đưa trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, trong đó có tiêm vắc xin sởi cũng như chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vắc xin, vật tư, kinh phí phục vụ cho công tác điều trị, cấp cứu bệnh nhân, phòng chống dịch cũng như tiêm chủng.

Ngành y tế tỉnh Nghệ An cũng đã quyết liệt triển khai các biện pháp chống dịch như: huy động cán bộ y tế từ bệnh viện Sản Nhi của tỉnh, Trung tâm Y tế huyện và các xã lân cận trực tiếp đến hỗ trợ xã Mai Sơn tổ chức chăm sóc y tế và cách ly kịp thời cho các trẻ bị bệnh tại bản Piêng Cooc nhằm hạn chế việc lây lan rộng sang các trẻ khác trong địa bàn xã Mai Sơn. Ban chỉ đạo phòng chống dịch của huyện Tương Dương đã họp và thống nhất cho các cháu học sinh của trường tiểu học của xã tạm thời nghỉ học và trưng dụng trường học làm nơi điều trị, cách ly các trẻ bị bệnh nhằm hạn chế việc vận chuyển bệnh nhân cũng như sự lây lan; phối hợp với chính quyền xã Mai Sơn huy động các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tuyên truyền đến từng hộ gia đình bản Piêng Cooc để bà con dân tộc hiểu được sự nguy hiểm của bệnh sởi, tác dụng của vắc xin phòng bệnh và cùng tham gia các hoạt động phòng chống dịch bệnh trên địa bàn xã.

Đến nay, các đồng bào dân tộc tại bản Piêng Cooc đã phối hợp tích cực với chính quyền địa phương để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh, số trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại xã Mai Châu đã được kiểm soát, không có nguy cơ tử vong.

Được biết, cùng với việc triển khai các hoạt động phòng chống dịch sởi tại bản Piêng Cooc, xã Mai Sơn, ngành y tế tỉnh Nghệ An đang tích cực triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella trên quy mô toàn tỉnh, phấn đấu đạt tỷ lệ cao; trước mắt tập trung tiêm sớm đối với các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có nguy cơ cao xảy ra dịch. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch sởi xuất hiện tại Nghệ An

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.