Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phòng chống say nắng trong mùa hè

Bác sĩ Chu Thanh Hương| 18/05/2015 07:01

(HNM) - Công việc của tôi thường xuyên phải tiếp xúc với ánh nắng ngoài trời. Với thời tiết nắng nóng trong những ngày hè như thế này, xin hỏi bác sĩ cách phòng chống say nắng và cách xử trí đối với trường hợp bị say nắng? Chị Hoàng Nguyên (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội)

(HNM) - Công việc của tôi thường xuyên phải tiếp xúc với ánh nắng ngoài trời. Với thời tiết nắng nóng trong những ngày hè như thế này, xin hỏi bác sĩ cách phòng chống say nắng và cách xử trí đối với trường hợp bị say nắng?
Chị Hoàng Nguyên (Hoàng Hoa Thám, Hà Nội)



Say nắng là hiện tượng rất thường gặp trong mùa hè. Say nắng có thể xảy ra với tất cả mọi người nhưng đối tượng dễ bị say nắng nhất là người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh, người mắc bệnh tim mạch, viêm nhiễm, tiểu đường, suy dinh dưỡng. Các biểu hiện của say nắng bao gồm: Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu… thậm chí còn gây ra hiện tượng tim đập nhanh, co giật, đột quỵ nếu không xử lý kịp thời có thể để lại các di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tử vong. Say nắng thường xảy ra khi lao động hoặc đi quá lâu ngoài trời nắng. Dưới tác dụng liên tục của ánh sáng mặt trời, cơ thể không điều hòa được thân nhiệt làm rối loạn thân nhiệt và mất nước.

Để phòng tránh say nắng không nên làm việc quá lâu ngoài trời nắng, tránh các hoạt động thể lực quá sức, uống nước đầy đủ khi trời nắng, luôn trang bị đủ thiết bị chống nắng khi lao động, làm việc ngoài trời nắng như quần áo bảo hộ, mũ, kính… Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi như bí đao, mướp, mướp đắng… mặc quần áo dệt bằng vải bông và tơ, lụa nhưng có màu nhạt. Ngoài ra, thường xuyên tắm rửa cũng giúp cơ thể mát mẻ hơn trong những ngày hè nắng nóng. Khi thấy một người đang đi ngoài nắng mệt lả, choáng váng và sau đó ngất xỉu với môi lưỡi khô, khát nước, da nhăn thì cần đưa ngay bệnh nhân vào nơi có bóng mát, cởi bỏ bớt quần áo, quạt mát hay lau mát cho bệnh nhân nếu có thể được. Mặt khác, cho người bệnh uống nước mát có pha muối. Nếu nạn nhân hôn mê không uống được nước hoặc nôn liên tục, sốt tăng liên tục, kèm các triệu chứng đau bụng, đau ngực, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống say nắng trong mùa hè

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.