Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao Việt Nam chuyển đổi sử dụng vắc xin bại liệt?

Hương Thủy| 25/05/2016 15:34

(HNMO) - Để bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt ở Việt Nam và hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ tháng 5/2016, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia thực hiện chuyển đổi vắc xin bại liệt uống chứa 3 tuýp vi rút bại liệt 1,2 và 3 (tOPV) sang vắc xin bại liệt OPV chứa 2 tuýp 1 và 3 (bOPV) trên cả nước.


Đã thanh toán vi rút bại liệt hoang dại tuýp 2 trên toàn cầu


Trả lời câu hỏi về vì sao Việt Nam lại chuyển đổi vắc xin bại liệt tOPV bằng vắc xin bại liệt bOPV, PGS.TS Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, nhờ việc triển khai vắc xin bại liệt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó trên 95% trẻ em được uống vắc xin bại liệt tOPV, Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc vào năm 2000 và tiếp tục được duy trì cho đến nay.

Việt Nam chuyển đổi sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 tuýp thay thế vắc xin bại liệt uống 3 tuýp. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Tháng 9/2015, WHO đã công bố thanh toán vi rút bại liệt hoang dại tuýp 2 trên toàn cầu. “Vì vậy thành phần tuýp 2 trong vắc xin không thực sự còn cần thiết nữa và cũng là để giảm thiểu nguy cơ gây liệt dù rất thấp của bại liệt tuýp 2 có trong vắc xin, WHO đề nghị các quốc gia thành viên thay thế vắc xin bại liệt uống 3 tuýp bằng vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) đã loại bỏ thành phần tuýp 2. Cùng với các nước khác trên thế giới, Việt Nam cũng quyết định dừng sử dụng vắc xin bại liệt uống 3 tuýp và chuyển sang sử dụng vắc xin bại liệt uống 2 tuýp (loại bỏ tuýp 2) trong Chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta”, PGS.TS Trần Đắc Phu lý giải.

Việc chuyển đổi như vậy liệu có làm tăng nguy cơ bại liệt do vi rút tuýp 2 xuất hiện? Trước thắc mắc này, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, theo khuyến cáo của WHO, nếu tiếp tục sử dụng vắc xin tOPV sau ngày 1/5/2016 thì nguy cơ vi rút tuýp 2 của vắc xin gây bại liệt còn cao hơn nhiều so với nguy cơ khi ngừng sử dụng vắc xin bại liệt tuýp 2. WHO cũng đã thiết lập kho dự trữ toàn cầu vắc xin OPV tuýp 2 để sẵn sàng hỗ trợ các nước trong trường hợp xảy ra dịch.

Hơn nữa, trong nhiều năm qua, tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên của Việt Nam đều đạt cao, miễn dịch cộng đồng cao, trong tháng 3 và 4/2016 cũng đã triển khai kế hoạch uống bổ sung vắc xin tOPV tại 19 tỉnh, thành phố có nguy cơ cao, vì vậy nguy cơ Việt Nam xảy ra bệnh dịch bại liệt là thấp và WHO cũng cho biết Việt Nam là nước có nguy cơ thấp theo các tiêu chí của tổ chức này.

Lịch uống vắc xin bại liệt không thay đổi 


Bệnh bại liệt là một căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút bại liệt gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa. Khi bị nhiễm vào cơ thể, vi rút sẽ tấn công vào hệ thần kinh trung ương, làm yếu các cơ, phần mềm cấp tính và gây ra chứng bại liệt. Trẻ em dưới 5 tuổi thường dễ mắc căn bệnh này. Gần 15 năm qua, Việt Nam là một trong những quốc gia bảo vệ được thành quả thanh toán bại liệt.

Ngoài ra, để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh tuýp 2, trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, vắc xin IPV (vắc xin bại liệt tiêm, loại bất hoạt, chứa tuýp vi rút bại liệt 2) vẫn được sử dụng song song với vắc xin bại liệt uống 2 týp (bOPV). Việc phối hợp dùng cả hai loại vắc xin bại liệt dạng uống và dạng tiêm như vậy sẽ giúp củng cố được miễn dịch cho cả 3 tuýp vắc xin mà vẫn đảm bảo an toàn.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, tính đến tháng 5/2016, 155 quốc gia đang nỗ lực đưa vắc xin bại liệt uống 2 tuýp thay thế cho vắc xin bại liệt 3 tuýp. Đây là sự kiện hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết thêm, lịch uống vắc xin bại liệt bOPV tương tự như đối với vắc xin bại liệt tOPV trong tiêm chủng mở rộng đã được triển khai từ những năm trước đây. Cụ thể, mỗi trẻ sẽ được uống 3 lần vắc xin bOPV lúc 2, 3, 4 tháng tuổi cùng với tiêm vắc xin Quinvaxem.

Ông Phu cũng nhấn mạnh, việc sử dụng vắc xin OPV cùng với vắc xin Quinvaxem nhằm đảm bảo trẻ được tiêm chủng đúng lịch cùng với các vắc xin khác để tạo miễn dịch và hiệu quả phòng bệnh tốt nhất. Việc uống vắc xin bại liệt cùng với tiêm vắc xin Quinvaxem không làm tăng nguy cơ phản ứng nặng cho trẻ.

Về phản ứng thường gặp sau khi sử dụng vắc xin bại liệt, Cục trưởng Cục y tế dự phòng lưu ý, cũng như các thuốc khác, khi dùng vắc xin bOPV có thể gặp một số tác dụng không mong muốn tương tự vắc xin tOPV như sốt nhẹ, người mệt mỏi, tiêu chảy và vô cùng hiếm gặp có thể gây liệt nhẹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Việt Nam chuyển đổi sử dụng vắc xin bại liệt?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.