Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao trẻ bị lõm ngực bẩm sinh cần được phẫu thuật đúng tuổi?

Tuệ Diễm| 28/07/2016 17:24

(HNMO) - Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phẫu thuật 80 trường hợp trẻ bị lõm ngực bẩm sinh cho trẻ từ 7 đến 15 tuổi. Việc phẫu thuật đúng độ tuổi này sẽ giúp trẻ lấy lại được hình dáng lồng ngực bình thường và giữ sức khỏe ổn định.

Trẻ được phẫu thuật nâng lồng ngực tại bệnh viện Nhi đồng 1


Lõm ngực là dị tật bẩm sinh có từ lâu. Tỷ lệ lõm lồng ngực thì theo nghiên cứu ở Mỹ khá cao, khoảng 300 - 400 trẻ sơ sinh sẽ có 1 trẻ bị lõm ngực. Tỷ lệ này thay đổi theo giới tính nam/nữ theo tỷ lệ 3:1. Nếu không phẫu thuật, ngực bị lõm sâu quá sẽ gây tình trạng em bé bị chèn ép cơ quan như tim, phổi. Khi phổi bị chèn ép, diện tích lồng ngực thu hẹp gây hơi thở ngắn khiến trẻ khó thở, dễ bị mệt khi vận động, thậm chí ngất xỉu. Về thẩm mỹ, trẻ bị tự tin với ngoại hình bất thường, khiến tâm lý bị ảnh hưởng.

Bác sĩ Đặng Khải Minh - Khoa Chấn thương – Chỉnh hình Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Lõm ngực phát triển theo chu kỳ phát triển xương của em bé. Lúc trẻ mới sinh ra thường chưa phát hiện được, đến 1-2 tuổi xương sườn trẻ phát triển thì sẽ có biểu hiện bất thường, đẩy xương ức lõm về phía sau. Trẻ càng lớn lên thì xương sẽ lõm sâu hơn”. Bác sĩ Minh cho biết, theo tài liệu nghiên cứu trẻ bị lõm ngực dưới 5 tuổi không ảnh hưởng đến các chức năng cơ thể. Nhưng có thể những người thân có tâm lý xem em bé là trẻ bị bệnh, không bình thường. Do đó, phụ huynh cần đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn, tập huấn về cách nuôi trẻ cho đến ngày đủ tuổi phẫu thuật.

Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu – Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1: “Phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để phẫu thuật nâng xương lồng ngực. Tốt nhất trẻ cần được phẫu thuật trong độ tuổi từ 7-15 tuổi. Ở độ tuổi này, xương sườn đủ độ ổn định, và còn đàn hồi tốt, do đó thanh sắt sẽ có tác dụng đẩy lồng ngực nâng lên. Nếu người 20 tuổi thì xương đã cứng, thì không thể bẫy bằng phương pháp này. Ngược lại, nếu phẫu thuật trước 5 tuổi, xương trẻ còn đang phát triển, khi đặt thanh sắt nâng ngực thì sau đó 2-3 năm lại phẫu thuật rút ra và thay thế một thanh nâng ngực khác kích thước lớn hơn gây tốn kém cho bệnh nhân và có thể có biến chứng phẫu thuật.

Về phương pháp điều trị lõm ngực, các bác sĩ sẽ dùng thanh kim loại, uốn thành vòng cung lồng ngực theo kích thước chiều ngang lồng ngực của bệnh nhân sau đó có dụng cụ đặt thanh sắt vào lồng ngực, phía sau xương ức của em bé. Thanh kim loại này nằm sau xương ức, trước xương sườn và xoay 180 độ để nâng lồng ngực lên và cố định lại. Đối với trẻ phẫu thuật đúng tuổi, lồng ngực đã phát triển chắc chắn, thanh sắt này sẽ được cố định trong người 3 năm, sau đó sẽ được phẫu thuật rút ra, trả lại ngực bình thường cho trẻ.

Trước đây, phẫu thuật đặt thanh sắt nâng lõm ngực không nằm trong danh mục được Bảo hiểm y tế thanh toán. Trung bình, một trẻ bị hõm lồng ngực phải phẫu thuật tốn trên 20 triệu đồng, nhiều phụ huynh điều kiện khó khăn đã không thể đưa trẻ đi phẫu thuật chữa trị lõm ngực. Nhưng hiện nay chi phí phẫu thuật này đã được bảo hiểm chi trả, do đó phụ huynh nên đưa trẻ mắc bệnh này đi phẫu thuật đúng độ tuổi để tránh những ảnh hưởng về sau. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vì sao trẻ bị lõm ngực bẩm sinh cần được phẫu thuật đúng tuổi?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.