Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đối mặt với nguy cơ dịch bệnh kép

Thu Trang| 24/11/2016 07:11

(HNM) - Cuối năm, sự thay đổi của thời tiết khiến nhiều dịch bệnh có nguy cơ bùng phát. Ở miền Bắc, đây cũng là thời điểm nguy cơ bùng phát dịch bệnh kép bởi sốt xuất huyết (SXH) và bệnh do vi rút Zika đều có yếu tố lây truyền là muỗi.


Không được chủ quan, lơ là

Tại buổi tư vấn trực tuyến về phòng chống bệnh dịch do vi rút Zika diễn ra ngày 23-11, ông Nguyễn Đức Khoa (Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, dịch bệnh do vi rút Zika vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo xuất hiện vi rút Zika. Tại Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 68 trường hợp ở 7 tỉnh, thành phố. Số ca mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên - những khu vực có nhiều muỗi vằn truyền bệnh do vi rút Zika và SXH. Dự báo, thời gian tới, dịch bệnh sẽ lan truyền ra khu vực miền Bắc nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp phòng chống tích cực.

Phun thuốc diệt muỗi, phòng ngừa vi rút Zika.



Những tuần gần đây, ở phía Bắc, số bệnh nhân nhập viện để điều trị SXH tăng so với các tháng trước. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện đang vào đỉnh dịch SXH. Từ tháng 7 đến nay, tại Khoa Nhi đã có khoảng 100 bệnh nhân mắc SXH có diễn biến nặng vào điều trị nội trú. Tuy nhiên, số mắc tập trung trong hai tháng gần đây, trong đó, tháng 10 ghi nhận 59 ca và từ đầu tháng 11 đến nay đã có hơn 30 bệnh nhân đến điều trị SXH. Không chỉ Khoa Nhi, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai), số người lớn nhập viện do SXH cũng tăng so với trước.

Tại các tỉnh miền Nam, số ca mắc bệnh do vi rút Zika cũng tăng mạnh trong hơn một tháng qua (62 ca). PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, muỗi Aedes rất nguy hiểm, không chỉ gây dịch SXH mà còn lây truyền vi rút Zika. Người nhiễm vi rút có biểu hiện tương đối giống bệnh nhân SXH (như sốt, viêm kết mạc, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, phát ban) nên rất khó nhận biết chính xác. Hiện cả hai loại bệnh này đều chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh là yếu tố quan trọng hàng đầu.

PGS.TS Trần Đắc Phu: Muỗi Aedes sinh sống ở trong nhà, đẻ trứng ở các dụng cụ chứa nước sạch. Đặc điểm là có vạch đen trắng trên thân, muỗi thường đốt vào ban ngày, nhất là vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối, thường trú ở nơi treo quần áo, rèm cửa. Người dân nên tích cực áp dụng các biện pháp diệt muỗi và phòng muỗi đốt.



Nâng cao hiệu quả giám sát sớm ca bệnh

Theo ông Nguyễn Đức Khoa, mới đây, WHO đã tuyên bố bệnh do vi rút Zika không còn là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp, tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta được phép chủ quan. Mối quan tâm hàng đầu của Bộ Y tế hiện nay chính là phòng bệnh do vi rút Zika đối với phụ nữ, đặc biệt là các thai phụ.

Ông Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương cho rằng, bệnh do vi rút Zika nguy hiểm bởi chúng gây ảnh hưởng xấu đối với thai nhi. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy với các ca nhiễm vi rút Zika trong 3 tháng đầu thì nguy cơ gây bệnh đầu nhỏ ở em bé có tỷ lệ không cao; đối với thai 6 tháng thì không gây ảnh hưởng gì. Bởi vậy, với người dân nằm trong vùng lưu hành vi rút Zika, khi có thai hoặc có các triệu chứng nhiễm vi rút Zika thì mới cần làm xét nghiệm cho thai nhi.

Để phòng chống vi rút Zika xâm nhập và sự bùng phát của SXH, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thời gian qua, hệ thống giám sát dịch bệnh truyền nhiễm được triển khai một cách đồng bộ từ tuyến thành phố đến cơ sở với 109 điểm giám sát. Ngành Y tế cũng đã thành lập 65 đội phòng chống dịch cơ động (gồm 5 đội của thành phố; mỗi quận, huyện, thị xã có 2 đội) với đầy đủ nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp, máy móc, trang thiết bị hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhanh nhiệm vụ chống dịch. Bên cạnh đó, thành phố đã tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán sớm ca bệnh và các tác nhân gây bệnh. Nhiều biện pháp đã được triển khai, góp phần nâng cao hiệu quả giám sát nhằm phát hiện sớm ca bệnh, chủ động khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch bùng phát.

Dù việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch của Hà Nội là khá chủ động và bài bản nhưng vấn đề là Ngành Y tế Thủ đô không được chủ quan bởi Hà Nội là địa phương có lưu lượng người qua lại rất lớn. Để phòng chống dịch SXH và vi rút Zika trong những tháng cuối năm, Hà Nội cần chủ động hơn nữa trong việc giám sát, phòng chống dịch bệnh, phải tăng cường tập huấn cho hệ thống y tế dự phòng, các cơ sở điều trị… về giải pháp phòng chống dịch bệnh Zika. Mặt khác, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát sớm tại các cơ sở sản khoa ở xã, phường để lấy mẫu với những trường hợp phụ nữ mang thai nếu có dấu hiệu của một trong bốn đặc trưng của bệnh do vi rút Zika (sốt, sốt phát ban, đau cơ, đau mắt).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đối mặt với nguy cơ dịch bệnh kép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.