Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấn chỉnh hiện tượng không lành mạnh

Hà Phong| 02/03/2017 07:13

(HNM) - Sau khi thực hiện khám chữa bệnh thông tuyến quận, huyện trên toàn quốc, bệnh nhân khám bảo hiểm y tế (BHYT) có nhiều cơ hội lựa chọn. Tuy nhiên, đã xuất hiện hiện tượng không lành mạnh cần sớm chấn chỉnh để bảo đảm quyền lợi của người dân. Đó là thông tin đáng lưu ý tại phiên giải trình về việc thực hiện lộ trình thông tuyến trong khám chữa bệnh BHYT do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức ngày 1-3.

Khám và điều trị cho bệnh nhân có BHYT tại Bệnh viện Đa khoa huyện Mê Linh.Ảnh: Bá Hoạt


Những biểu hiện "lạ"

Nếu trước đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ quy định thông tuyến khám chữa bệnh cho người dân có thẻ BHYT ở các bệnh viện tuyến quận, huyện trong cùng một tỉnh thì từ năm 2015, người bệnh có thể đăng ký khám chữa bệnh theo thẻ BHYT ở các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc.

Triển khai theo hướng này giúp bệnh nhân có thêm nhiều sự lựa chọn, thuận lợi hơn trong tiếp cận với các dịch vụ y tế. Số người tham gia BHYT tăng lên. Nếu năm 2015, cả nước chỉ có khoảng 70 triệu thẻ BHYT, bao phủ 76,2% dân số cả nước, thì đến năm 2016 có xấp xỉ 76 triệu người tham gia (tăng 8,3% so với 2015), bao phủ 81,7% dân số. Song, theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh đã xuất hiện những "số liệu" gây ngạc nhiên như nhiều bệnh viện tuyến tỉnh xin được… xuống hạng để được áp dụng quy định thông tuyến, đón thêm bệnh nhân. Bên cạnh đó, tình trạng trục lợi quỹ BHYT, cạnh tranh không lành mạnh giữa các bệnh viện cũng gia tăng.

Qua kiểm tra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hiện trong tháng 6, 7-2016 có tới 1,2 triệu người đi khám bệnh 2 lần trong 1 tháng; có 3 triệu người đi khám bệnh hàng tuần. Thậm chí, có người bệnh đi khám, lấy thuốc tới 800 lần trong vài tháng...

Khẩn trương bịt "lỗ hổng"

Xác nhận những thực tế này, TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cho biết, có bệnh viện ở Thanh Hóa đưa ô tô đến tận các huyện vùng sâu, xa để đón người dân lên khám chữa bệnh. Thực tế cũng cho thấy, từ khi thông tuyến, tuyến huyện hút khách, y tế tuyến xã gần như bị bỏ rơi.

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đến hết năm 2016, quỹ BHYT dự phòng vẫn còn khoảng 49.000 tỷ đồng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân mà chưa cần phải điều chỉnh mức đóng góp BHYT trong ngắn hạn.


TS Nguyễn Văn Tiên đề nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành các quy định chuyên môn cho y tế tuyến xã quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, quy định về việc khám chữa bệnh của người dân để hạn chế lạm dụng quỹ BHYT… Đặc biệt, cần có giải pháp hạn chế việc lưu giữ bệnh nhân để điều trị.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định, việc thực hiện cơ chế thông tuyến nhưng chưa thay đổi cơ chế quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh BHYT nên cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu được giao quản lý sử dụng quỹ khám chữa bệnh hoặc giao quỹ định suất không kiểm soát được người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu.

Như vậy, cùng với khuyến khích BHYT toàn dân, đặt quyền lợi người bệnh lên trên hết, phải lấp được những "lỗ hổng" cơ chế, nâng cấp trang thiết bị tuyến cơ sở. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Việc thông tuyến trong khám chữa bệnh BHYT đã phát sinh không ít tiêu cực. Nhưng đây là chủ trương đúng đắn, thực hiện sớm ngày nào tốt hơn cho người dân ngày đó. Vì vậy, phải đẩy nhanh lộ trình thông tuyến tỉnh, không vì một số thông tin không vui mà xem lại chủ trương này".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh hiện tượng không lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.