Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gia tăng bệnh lao kháng đa thuốc

Thu Trang| 24/03/2017 07:02

(HNM) - Cũng như các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội đang đối mặt với diễn biến phức tạp của bệnh lao, tỷ lệ người bệnh lao/HIV tăng, đặc biệt là lao kháng đa thuốc.

Nhân Ngày Thế giới phòng chống lao 24-3, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội, Chủ nhiệm Chương trình chống lao thành phố Nguyễn Hữu Thường về vấn đề này.

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Hà Nội chăm sóc bệnh nhân.


- Ông có thể phác họa đôi nét về công tác phòng chống lao thời gian qua trên địa bàn Thủ đô?

- Chương trình chống lao trên địa bàn trước đây được giao cho hai đơn vị đầu mối là Bệnh viện (BV) Phổi Hà Nội và Trung tâm Phòng chống lao - Bệnh phổi Hà Đông. Thực hiện Quyết định số 322/QĐ-UBND ngày 16-1-2017 của UBND thành phố về việc tổ chức lại BV Phổi Hà Nội trực thuộc Sở Y tế trên cơ sở sáp nhập hai đơn vị trên, hiện tại, Chương trình chống lao được thống nhất trên toàn thành phố bởi đơn vị chuyên khoa đầu ngành duy nhất là BV Phổi Hà Nội. Chương trình tiếp tục duy trì và hoàn thiện mạng lưới chống lao rộng khắp từ tuyến thành phố đến quận, huyện và xã, phường. Việc kiện toàn mạng lưới sau khi sáp nhập cũng được BV quan tâm, bảo đảm hoạt động phòng, chống bệnh lao tuyến cơ sở, tiến tới đồng nhất về tổ chức nhân lực, kỹ thuật, năng lực chẩn đoán, điều trị của các đơn vị chống lao 30 quận, huyện, thị xã, không để chênh lệch giữa các khu vực như hiện nay.

- Sau khi sáp nhập hai đơn vị, bộ máy hoạt động của BV có thay đổi gì để phù hợp với xu thế mới, hiện đại hóa công tác phát hiện, chẩn đoán bệnh lao, thưa ông?

- Phát huy thế mạnh hai đơn vị sau sáp nhập, BV hình thành bộ máy hoạt động hoàn chỉnh, gọn nhẹ, có năng lực, trình độ cao với 300 cán bộ, quy mô 310 giường bệnh, hiện đại hóa công tác phát hiện chẩn đoán bệnh lao. BV đã đưa vào ứng dụng nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến, hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị bệnh lao, lao kháng thuốc, nhất là bảo đảm cho hơn 90% các đối tượng trong diện cần dự phòng bệnh lao (trẻ dưới 5 tuổi tiếp xúc nguồn lây, người nhiễm HIV…) được tiếp cận với dịch vụ dự phòng. Đơn cử, kỹ thuật GeneXpert chẩn đoán lao, lao kháng thuốc hiện đại nhất hiện nay chỉ trong 2 giờ có thể trả lời có vi khuẩn lao hay không, nhiều hay ít và có kháng với thuốc rifampicin hay không với độ đặc hiệu chẩn đoán bệnh hơn 95%. Ngoài ra, còn có kỹ thuật PCR real-time giúp chẩn đoán nhanh, chính xác các ca bệnh lao ngoài phổi; kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính, X-quang kỹ thuật số giúp chẩn đoán lao chính xác, rút ngắn thời gian; kỹ thuật xét nghiệm đờm tìm vi khuẩn lao bằng kính hiển vi kỹ thuật số CellScope... BV cũng đã chuyển giao các kỹ thuật hiện đại cho tuyến y tế cơ sở, đồng thời thực hiện việc liên kết xét nghiệm qua mạng internet.

- Ông có thể cho biết về tình hình lao kháng đa thuốc ở Hà Nội và nguyên nhân phát sinh lao kháng đa thuốc?

- Hằng năm, Hà Nội phát hiện, đưa vào quản lý và điều trị dự phòng khoảng 5.000 bệnh nhân lao các thể. Với lao phổi mới (nguồn lây chính của bệnh lao), tỷ lệ điều trị khỏi khoảng hơn 90%. Tuy nhiên, lao kháng đa thuốc đã xuất hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng. Ở Hà Nội chưa có điều tra dịch tễ về lao kháng thuốc. Tuy nhiên, theo số liệu của Chương trình chống lao quốc gia (trong đó có Hà Nội), tỷ lệ kháng đa thuốc ở nhóm người bệnh lao mới là 2,7%, còn nhóm đã điều trị là 19%. Hà Nội ước tính có khoảng 80-120 người bệnh lao kháng đa thuốc mỗi năm. Nguyên nhân phát sinh lao kháng đa thuốc có rất nhiều, như: Người bệnh lao không tuân thủ y lệnh của thầy thuốc trong quá trình điều trị, việc kê đơn điều trị của thầy thuốc không đúng, chất lượng thuốc không bảo đảm, thực hiện việc giám sát người bệnh chưa tốt, do đột biến gien của vi khuẩn…

Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm, BV Phổi Hà Nội thu nhận và quản lý điều trị cho hàng trăm bệnh nhân lao kháng đa thuốc và cho kết quả bước đầu rất tốt. Hà Nội là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện điều trị thuốc mới Bedaquiline cho người bệnh lao kháng thuốc nặng (tiền siêu kháng thuốc, siêu kháng thuốc) và áp dụng phác đồ ngắn hạn (từ 20 tháng điều trị trước đây xuống còn 9 tháng).

- Cần làm gì để loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng, thưa ông?

- Để có thể tiến tới thanh toán bệnh lao vào năm 2030 theo mục tiêu cơ bản của Chiến lược quốc gia phòng chống bệnh lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 tại Hà Nội, ngoài việc tăng cường tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhằm nâng cao kiến thức phòng bệnh cho mọi người, cần sự chung tay của cả cộng đồng. Cụ thể là tập trung vào các hoạt động phát hiện, phối hợp với các hệ thống y tế công và tư nhân trong công tác phòng chống bệnh lao, áp dụng có hiệu quả các kỹ thuật chẩn đoán mới, chú trọng chất lượng quản lý điều trị, triển khai thực hành xử trí tốt bệnh hô hấp ở tuyến y tế cơ sở… Thành phố cũng sẽ đầu tư trang thiết bị chủ động phát hiện người mắc lao ở người nhiễm HIV, đối tượng ở các trại giam và trung tâm 05-06… Mở rộng quản lý lao kháng đa thuốc, tăng cường công tác sàng lọc lao trẻ, bao gồm cả điều trị bệnh lao và điều trị dự phòng lao; tăng cường triển khai nghiên cứu khoa học, các thử nghiệm thuốc, phác đồ điều trị và các mô hình mới trong công tác phòng chống lao.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gia tăng bệnh lao kháng đa thuốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.