Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trẻ bị loạn thần vì mẹ cho dùng miếng dán chống say tàu xe

Tuệ Diễm| 09/08/2017 15:33

(HNMO) - Thời gian gần đây Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em có dấu hiệu loạn thần, quấy khóc, la hét, lơ ngơ vì sử dụng miếng dán chống say tàu xe khi đi chơi, du lịch mùa hè.

Trên thế giới, nhiều nước đã cấm sử dụng miếng dán cho trẻ dưới 12 tuổi nhưng nhiều phụ huynh Việt Nam vẫn vô tư sử dụng vì tính “tiện lợi”.

Trẻ dưới 12 tuổi tuyệt đối không sử dụng miếng dán chống say tàu xe vì có thể gây loạn thần.


Ngày 9-8, BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm-Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho biết, khoa vừa điều trị cho bé gái 9 tuổi (huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) vì có triệu chứng la hét, kích động sau khi lên trung tâm TP Hồ Chí Minh chơi hè. Do năm học qua bé đạt được thành tích cao trong học tập nên mẹ thưởng cho một chuyến đi chơi khắp trung tâm TP Hồ Chí Minh. Do sợ con say xe, mẹ bé đã dán miếng chống say cho bé.

Sau hơn một tiếng đi xe khách từ Hóc Môn lên trung tâm thành phố, bé chưa được đi chơi đã có biểu hiện kích động, buộc gia đình phải đưa vào Bệnh viện Nhi đồng 1 để khám. Qua thăm khám bác sĩ Trương Hữu Khanh khai thác thông tin từ gia đình và được biết mẹ đã dán miếng dán chống say tàu xe cho bé. Miếng dán có chất scopolamine, gây loạn thần, kích động trẻ, hoặc khiến trẻ ngủ li bì, mơ màng. Bệnh nhân được giữ lại theo dõi 2 ngày và xuất viện khi triệu chứng loạn thần đã hết.

Theo bác sĩ Khanh, việc sử dụng miếng dán chống say tàu xe cho trẻ nhỏ rất nguy hiểm, thời gian qua nhiều trường hợp tương tự đã đến Bệnh viện Nhi đồng 1 để điều trị. Một số phụ huynh dù biết không nên dán thuốc cho trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, nhưng vẫn chia đôi miếng dán để dùng cho trẻ nhỏ.

Tác dụng phụ của thuốc khiến trẻ có triệu chứng giống như bệnh viêm não. Vì thế, khi khám bệnh nếu người nhà không khai báo cho bác sĩ thì việc chẩn đoán bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn, chi phí khám bệnh tăng cao do phải thực hiện hàng loạt xét nghiệm.

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, phụ huynh nên sử dụng các phương pháp dân gian cho trẻ như thoa gừng tươi, ngậm gừng tươi khi đi tàu xe để đảm bảo an toàn cho trẻ. Miếng dán chống say tàu xe cũng có tác dụng phụ đối với người lớn, theo khuyến cáo, có đến hơn 10% người lớn sử dụng miếng dán có biểu hiện như hoa mắt, đau mắt, nôn nao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trẻ bị loạn thần vì mẹ cho dùng miếng dán chống say tàu xe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.