Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chưa được như kỳ vọng

Thu Trang| 02/10/2017 06:39

(HNM) - Từ ngày 1-8-2017, 38 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế bắt đầu triển khai thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm. Đến nay, sau hai tháng triển khai, số kết quả xét nghiệm liên thông không nhiều.

Việc liên thông kết quả xét nghiệm còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Sơn Hà


Liên thông: Tin nhau là chính

Bị mắc viêm não do vi rút Herpes, khi đến một cơ sở y tế tư nhân, bệnh nhân Nguyễn Văn T. (40 tuổi, ở Hà Nội) được chụp cộng hưởng từ (MRI) và thực hiện một số xét nghiệm. Tuy nhiên, do bệnh có diễn biến nặng nên được chuyển đến Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương). Tại đây, các bác sĩ sử dụng luôn kết quả xét nghiệm đã có của bệnh nhân để đưa ra hướng điều trị. Nhờ đó, bệnh nhân tiết kiệm được khoản chi phí khoảng 2 triệu đồng cho việc xét nghiệm lại, và cũng không phải di chuyển từ phòng cấp cứu sang phòng chụp MRI có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Lợi ích thấy rõ, nhưng bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phụ trách Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) cho rằng, việc liên thông chỉ thực hiện được với những kết quả xét nghiệm cố định, không thay đổi trong thời gian dài. Việc sử dụng kết quả xét nghiệm của các cơ sở y tế khác chủ yếu dựa vào sự tin tưởng vào uy tín của bệnh viện, của bác sĩ. Hiện bệnh viện chỉ sử dụng kết quả xét nghiệm của những cơ sở y tế có uy tín như Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai…

Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, trung bình mỗi năm có hàng chục triệu ca xét nghiệm hóa sinh, vi sinh, huyết học. Thế nhưng, theo Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp của bệnh viện, số kết quả xét nghiệm liên thông trong thời gian qua rất ít. Lý do là trong xét nghiệm có hàng trăm chỉ số cần được quan tâm. Có những chỉ số thay đổi ngay trong ngày nên các bác sĩ phải dựa vào tình trạng lâm sàng cụ thể của người bệnh để đưa ra chỉ định phù hợp.

Tiến sĩ Dương Đức Hùng dẫn chứng, có bệnh nhân buổi sáng làm xét nghiệm men gan ở Bệnh viện Thanh Nhàn nhưng đến buổi chiều, khi được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai bác sĩ vẫn yêu cầu làm lại xét nghiệm và ra kết quả khác với kết quả xét nghiệm ban đầu. Không phải do chất lượng xét nghiệm không bảo đảm mà do bệnh tình bệnh nhân lúc đó đã nặng thêm.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), mỗi năm các bệnh viện, viện dự phòng thực hiện tới 475 triệu ca xét nghiệm, con số này tăng khoảng 10% mỗi năm. Hiện nay, chất lượng xét nghiệm ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh thường tốt hơn so với các bệnh viện tuyến dưới.


Liệu có khả thi?

Bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) khẳng định, trên thực tế, việc xét nghiệm dù có được làm cẩn thận đến mấy thì không phải lúc nào cũng cho kết quả chính xác, nhiều thông số có sự sai so với triệu chứng. Trong trường hợp đó, chắc chắn là bác sĩ phải chỉ định làm lại xét nghiệm. Hơn nữa, trong một số trường hợp, bác sĩ còn phải hội chẩn với các đồng nghiệp và chuyên gia xét nghiệm để có được sự đánh giá chính xác, đưa ra hướng điều trị hiệu quả.

Để bác sĩ chấp nhận kết quả xét nghiệm của một cơ sở y tế khác thì phòng xét nghiệm của cơ sở đó phải đạt chuẩn chất lượng quốc tế. Thế nhưng, hiện nay, nước ta mới có hơn 50 bệnh viện có khoa, phòng xét nghiệm đạt chuẩn ISO quốc tế trong khi cả nước có gần 1.400 bệnh viện công lập. “Khi cầm kết quả xét nghiệm của những bệnh viện đạt tiêu chuẩn ISO quốc tế, chúng tôi cảm thấy yên tâm và tin tưởng”, bác sĩ Trần Văn Phúc nói.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bộ Y tế đang xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng xét nghiệm từ trung ương đến địa phương. Nếu hệ thống này được đưa vào vận hành thành công sẽ giúp chuẩn hóa chất lượng xét nghiệm từ tuyến dưới đến tuyến trên. Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, không một xét nghiệm nào có thể thay thế được sự chẩn đoán của thầy thuốc. Với một số loại bệnh, thông qua việc khám lâm sàng, bác sĩ có thể chẩn đoán được tình trạng của bệnh nhân mà không cần đến xét nghiệm.

Tuy vậy, do tình trạng quá tải, mỗi ngày một bác sĩ phải khám cho khoảng 50 bệnh nhân, thời gian dành cho mỗi bệnh nhân chỉ được chừng 5-10 phút. Như vậy thì không đủ để thăm khám kỹ càng cho người bệnh, bắt buộc phải dùng đến xét nghiệm. Đó là chưa kể nhiều khi giữa bệnh nhân và thầy thuốc thiếu sự tin tưởng. Trong trường hợp đó, dù có khả năng chẩn đoán đúng bệnh nhưng thầy thuốc vẫn chỉ định xét nghiệm để có bằng chứng pháp lý khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện…

Theo lộ trình do Bộ Y tế đặt ra, đến năm 2020 ngành Y tế sẽ thực hiện liên thông xét nghiệm đối với các bệnh viện trên cùng một tỉnh, thành phố; đến năm 2025 thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc. Tuy vậy, với những hạn chế đã nêu, nhiều người cho rằng lộ trình nói trên sẽ khó khả thi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chưa được như kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.