Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lo từ thực phẩm nhuộm màu

Thu Trang| 05/02/2018 07:10

(HNM) - Bệnh viện Bạch Mai vừa tiếp nhận một bệnh nhi bị tan máu cấp rất nặng do nhiễm độc. Nguyên nhân được cho là xuất phát từ món thịt bò khô tự làm có sử dụng một loại phẩm màu không rõ nguồn gốc.

Thực phẩm có sử dụng phẩm màu bày bán tại các chợ truyền thống tiềm ẩn nhiều nguy cơ tới sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Bùi Tuấn


Càng rực rỡ càng nguy hiểm

Ở các nước trên thế giới, để tìm mua các loại phụ gia thực phẩm như phẩm màu, hương liệu… rất khó khăn vì doanh nghiệp kinh doanh hóa chất chịu sự quản lý rất nghiêm ngặt. Ngược lại, ở nước ta, việc buôn bán các loại hương liệu, phẩm màu chưa được quản lý chặt chẽ. Trên thị trường, người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm mua các loại phẩm màu không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không được phép sử dụng trong thực phẩm. Vào dịp Tết Nguyên đán, các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, vịt quay, giò chả… với muôn vàn chủng loại, màu sắc “bắt mắt” tràn ngập thị trường và theo các chuyên gia y tế, việc sử dụng tùy tiện những loại thực phẩm có chứa phẩm màu ngoài danh mục cho phép có thể dẫn đến nhiều loại bệnh nguy hiểm.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, phẩm màu có hai loại, gồm phẩm màu tự nhiên và hóa học. Phẩm màu tự nhiên thường có màu sắc không rực rỡ do được chiết suất từ chất hữu cơ như củ, quả, lá... Do vậy, khi chế biến, người dùng phải sử dụng một lượng lớn thì mới tạo được màu sắc bắt mắt cho thực phẩm. Phẩm màu hóa học thì ngược lại, dùng lượng ít nhưng màu sắc rất rực rỡ. “Bằng mắt thường khó có thể phân biệt đâu là phẩm màu tự nhiên, đâu là phẩm màu hóa học. Tuy nhiên, thực phẩm có màu càng sặc sỡ thì nguy cơ dùng phẩm màu hóa học càng cao, mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người càng nghiêm trọng”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Bộ Y tế đã lên danh mục 21 chất màu (gồm 11 chất màu tự nhiên, 10 chất màu tổng hợp) được phép sử dụng trong thực phẩm. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, đối với thực phẩm, việc quy định chất tạo màu vô cùng nghiêm ngặt, theo đó, nhà sản xuất chỉ được sử dụng các loại màu thực phẩm đã được cơ quan chức năng cho phép.

Tuy nhiên, trên thực tế, có không ít trường hợp vì lợi nhuận nên đã sử dụng chất màu công nghiệp để thay thế, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Đơn cử như Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng để nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì chúng gây hại cho gan, thận, có thể dẫn đến ung thư. Thế nhưng, cơ quan chức năng từng phát hiện loại phẩm màu này được sử dụng trong chế biến hạt dưa, tương ớt, sa tế...

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, hiện nay, phẩm màu công nghiệp vẫn được dùng khá phổ biến trong một số thực phẩm dành cho trẻ em như: Thạch, nước trái cây, đồ ăn nhanh, kẹo, bánh... Đa số phẩm màu độc hại đi vào cơ thể con người và gây ra hiện tượng “ngộ độc trường diễn”, nghĩa là chúng tích tụ một thời gian dài trong cơ thể rồi gây bệnh.

Tăng cường kiểm nghiệm tại chỗ

Vào thời đểm này, trên thị trường tràn ngập các mặt hàng thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Nhóm thực phẩm chế biến sẵn như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, sản phẩm chế biến từ thịt, thủy sản, đồ hộp chính là các sản phẩm “ưa” phẩm màu nhất. Do đó, Tết Nguyên đán cũng là thời điểm mà các vụ ngộ độc thực phẩm, các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa gia tăng. Đặc biệt, trẻ em rất nhạy cảm với thức ăn không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nên dễ bị ngộ độc.

Bác sĩ Lê Thị Lan Anh, Phó Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo: Thông thường, không ai dùng phẩm màu tự nhiên quá ngưỡng cho phép vì nó quá đắt tiền, nhưng thường dùng vượt ngưỡng đối với phẩm màu hóa học hoặc phẩm màu công nghiệp (loại màu tuyệt đối không được sử dụng cho thực phẩm). Khi sử dụng những loại thực phẩm có nhiều phẩm màu, người tiêu dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với những triệu chứng như nôn, có khi nôn ra máu, đau bụng, đi ngoài nhiều lần (phân nước, có thể lẫn máu), có thể không sốt hoặc sốt cao trên 38 độ C, thậm chí bị suy gan, suy thận...

Khi có biểu hiện bất thường, cha mẹ nên nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được khám và chữa trị kịp thời. Không thể chủ quan để trẻ ở nhà theo dõi và tự ý cho trẻ dùng thuốc bởi có thể khiến tình trạng bệnh tăng nặng, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Theo bác sĩ Lê Thị Lan Anh, để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh liên quan đến thực phẩm, người dân tuyệt đối không ăn những thức ăn không rõ nguồn gốc, đặc biệt không ăn những thức ăn có màu lòe loẹt, “bắt mắt”.

Để tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm cũng như bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, cùng với việc tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, TP Hà Nội đã bố trí 5 xe kiểm nghiệm nhanh về thực phẩm.

Khi các đoàn thanh tra, kiểm tra tiến hành kiểm tra cơ sở, nếu phát hiện sản phẩm nghi có sử dụng phụ gia thực phẩm, phẩm màu không có trong danh mục cho phép thì sẽ tiến hành lấy mẫu và kiểm nghiệm nhanh tại chỗ. Việc kiểm tra ngay tại chỗ sẽ giúp loại bỏ được những thực phẩm không bảo đảm an toàn, sớm đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo từ thực phẩm nhuộm màu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.