Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhận thức đúng để đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV

Xuân Lộc| 15/09/2018 07:17

(HNMO) - Cùng với cả nước, Hà Nội đang phấn đấu thực hiện mục tiêu 90-90-90 (90% số người nhiễm HIV được xét nghiệm và biết tình trạng bệnh; 90% số người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV); 90% số người đang được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế) của Liên hợp quốc vào năm 2020 và hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại Bệnh viện 09.


Hiện, đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, tập trung ở đối tượng có nguy cơ cao như: Tiêm chích ma túy, mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới… Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn Hà Nội tính đến giữa năm 2018 là gần 20.000 người, đứng thứ 2 toàn quốc và chiếm khoảng 10% tổng số người nhiễm HIV/AIDS của cả nước. Hiện tại, 100% quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố có người nhiễm HIV và đa số người nhiễm HIV được phát hiện trong độ tuổi từ 25 đến 49 tuổi (chiếm 70%). Trong số người nhiễm HIV mới được phát hiện, nam giới chiếm 70,6% (cao gấp 2,4 lần nữ giới). Dù Hà Nội có 20 cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, duy trì 22 phòng khám ngoại trú điều trị HIV/AIDS bằng thuốc ARV, 18 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, nhưng tính đến giữa năm 2018 mới chỉ có 67,8% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 53,1% số người nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV.

PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, khó khăn nhất hiện nay là tình trạng lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục gia tăng mạnh. Thêm vào đó, tính chất di biến động dân cư của Thủ đô khiến cho dịch bệnh HIV/AIDS khó kiểm soát và khó phát hiện. Bên cạnh đó, tình trạng kỳ thị với người nhiễm HIV vẫn còn. Đây là rào cản chính làm người có nguy cơ và người lây nhiễm HIV không muốn tiếp cận dịch vụ điều trị và dự phòng lây nhiễm HIV, dẫn tới việc xét nghiệm phát hiện và đưa người nhiễm HIV vào điều trị ARV cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện 09 (Hà Nội), trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thì vấn đề nhận thức của cộng đồng về các nguy cơ lây lan và cách phòng, tránh có vai trò hết sức quan trọng, góp phần ngăn ngừa đại dịch. HIV có 3 con đường lây nhiễm cơ bản: Dùng chung kim tiêm chích, quan hệ tình dục và từ mẹ sang con. Bản chất của quá trình này là thông qua đường máu. Các con đường khác, nhất là việc tiếp xúc thông thường với người bệnh không khiến việc lây nhiễm vi rút HIV xảy ra. Và không phải trường hợp nào tiếp xúc với bệnh nhân HIV qua 3 con đường lây nhiễm trên đều có thể lây bệnh. Trên thực tế, nhiều bà mẹ nhiễm HIV, nhưng lại sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho rằng, đối với bệnh nhân HIV được điều trị thuốc ARV hằng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang đối tác, kể cả khi không dùng bao cao su hoặc bất cứ biện pháp an toàn nào. Trong đó tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện được hiểu là khi HIV dưới 200 bản sao/ml bằng cách xét nghiệm. Ở Việt Nam, 91,5% số người điều trị ARV đều có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, tức là không có khả năng lây nhiễm sang bạn tình khi quan hệ tình dục. Thậm chí, khi vô tình bị kim tiêm của người nhiễm HIV đâm vào cơ thể, nếu đầu mũi tiêm không có máu sẽ không có khả năng lây bệnh.

Mặc dù vẫn chưa chữa khỏi được HIV, nhưng không có nghĩa là cuộc sống của những người mắc căn bệnh thế kỷ này là chấm hết. Khi được điều trị ARV, người bệnh vẫn có thể sống đến cuối đời và chết vì các căn bệnh tuổi già, chứ không phải do HIV. Ngoại trừ những trường hợp mắc bệnh nhưng không tuân thủ điều trị, sống cuộc sống không lành mạnh, khiến diễn biến bệnh xấu đi nhanh chóng. Còn lại, những bệnh nhân HIV, nếu tuân thủ việc điều trị, hoàn toàn có thể sống đến cuối đời với tuổi thọ rất cao. “Đã đến lúc xã hội cần thay đổi nhận thức về căn bệnh này, bởi bệnh nhân HIV không mang án tử cận kề như nhiều người vẫn nghĩ…” - bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng cho hay.

Phòng, chống HIV/AIDS không phải là nhiệm vụ của riêng một cá nhân, tổ chức, mà đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, xã hội. Điều quan trọng là cần tăng cường sự hỗ trợ, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người bị nhiễm HIV/AIDS. Các địa phương cần tạo điều kiện cho người nhiễm HIV chủ động tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, từ đó nâng cao nhận thức, phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhận thức đúng để đẩy lùi căn bệnh thế kỷ HIV

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.