Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lễ hội: Phải nhìn rõ thực trạng!

Lê Huy Anh| 04/02/2013 05:47

(HNM) - Mùa lễ hội 2013 đã ở trước mắt. Từ hơn nửa tháng nay truyền thông bắt đầu "đụng" đến đề tài lễ hội. Đầu tiên, đáng kể là nội dung hội nghị trực tuyến tại ba điểm cầu về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2013, do Bộ VH-TT&DL tổ chức. Tất nhiên, không thể thiếu phần "nhìn lại năm qua".



Mặt tồn tại được liệt kê, không ngoài những yếu kém nay đã có thể thuộc lòng, như công tác tổ chức ở một số nơi còn yếu, tình trạng lạm dụng tín ngưỡng để hành nghề mê tín dị đoan, nạn "chặt chém" khách, ách tắc giao thông, quản lý tiền công đức. Đến cuối tuần qua là thông tin về Hội Lim năm 2013, ấn tượng nhất là thái độ một lần nữa kiên quyết nói không với… việc cũ - việc quan họ ngửa nón nhận tiền - của đại diện ban tổ chức. Trước nữa, là thông tin thể hiện sự loay hoay của nhà tổ chức trong việc "tiếp tục dẹp loạn" phát ấn Đền Trần…

Vì sao mà phải loay hoay với những "yếu kém cũ" hết năm này qua năm khác?

Trên thế giới chắc không có mấy quốc gia tổ chức nhiều lễ hội như Việt Nam. Theo thống kê của cơ quan quản lý văn hóa, hiện nước ta có gần 8.000 lễ hội, đa số là lễ hội dân gian và hơn một nửa là do cấp xã quản lý. Nhiều lễ hội diễn ra trong khoảng 2-3 ngày, nhưng cũng có lễ hội diễn ra trong nhiều tháng, thu hút hàng triệu người tham dự, tiêu biểu là Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Chùa Hương, Hội xuân Yên Tử, Hội Lim, Lễ hội Đền Trần, Lễ hội Bà chúa Xứ... Lễ hội mới xuất hiện ngày một nhiều thêm, cũng có khi được "khoác áo" festival, nổi bật nhất là Festival pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, Festival hoa Đà Lạt, Lễ hội trái cây Nam bộ, Carnaval Hạ Long… Từng ấy lễ hội diễn ra trong một năm, rất khó cho nhà quản lý, tổ chức không để xảy ra sự cố. Nhưng, ngoài cái sự "đông đúc" dẫn đến quản lý không xuể, nguyên nhân còn là gì nữa? Với lễ hội truyền thống trong xã hội hiện đại, liệu có nên dừng ở một điểm nhìn bất biến để lý giải thực trạng vốn đang có sự thay đổi nhanh chóng?

Lâu nay, thường thấy một quan điểm "cứng" trong cách phán xét thực trạng lễ hội cổ truyền ở nước ta, tựa như quan điểm về bảo tồn di sản nói chung, tức là bảo vệ yếu tố gốc bằng mọi giá, bất luận là trong bối cảnh nào. Chiếu theo quan điểm ấy, rất khó trả lời một loạt câu hỏi nảy sinh trong thực tế. Như với phần Hội Lim trên sân đồi Lim "bé tẹo teo" nếu so với quy mô tổ chức, trại quan họ san sát, cách nhau chừng chục mét là cùng thì liệu khi liền anh liền chị "hát mộc" giữa một biển người phấn khích, khách nghe giọng ai ra với giọng ai? Như với non thiêng Yên Tử hay Hương Sơn "Nam thiên đệ nhất động" ở nơi cao ngất, mỗi mùa hội xuân đón rước hàng triệu người, ngày chính hội lối lên - xuống không đủ chỗ đặt chân, không "cơ giới hóa" việc đi lại bằng cáp treo thì thử hỏi bao giờ mới thoát cảnh ách tắc, lộn xộn? Chùa chiền mục ải cần được sửa chữa lớn thì làm sao có ngay màu rêu phong cho được, thời nay lấy đâu ra thứ vật liệu thường dùng cách nay vài thế kỷ mà ra yêu cầu "nguyên trạng" ngay tắp lự?

Có câu: nhìn rõ thực trạng mới có thể cho ra giải pháp đúng. Nhìn không thấu thì cách lý giải thường không phù hợp, không phải là cơ sở cần có cho một giải pháp khả thi. Người ta không đụng đến dự án Luala khi những người thực hiện dự án dám đưa giao hưởng ra hè phố - một không gian dường như khác lạ với nó, nhưng lại không thể chịu được khi nghe "quan họ loa đài". Nhiều khi, trước sức ép dư luận có từ sự xem xét cứng nhắc, nhà quản lý ngành rõ là hiểu chuyện mà phải chọn giải pháp im lặng cho xong, lúc bức bối vì bất lực có thể phán rất cùn.

Cách nay đã nhiều năm, nhiều phóng viên từng lĩnh hội sự "giải tỏa" của ba vị "chức sắc hàng tỉnh" về văn hóa, hai trong số đó là người thuộc địa phương gần Hà Nội, người còn lại ở một tỉnh Tây Nguyên. Vị ở gần Hà Nội nhất nói về vấn nạn "chặt chém" khách dự lễ hội, đại ý quý vị cứ nói nhiều, người đi hội thì phải ăn uống, thế tất phải mọc ra quán xá, mà hàng quán trong khuôn khổ lễ hội thì làm gì có quy hoạch đúng nghĩa từ này mà cứ vẽ ra cho đầy thông cáo báo chí. Một năm có mấy ngày chính hội, không "chém" mới lạ. Vị ở xa Hà Nội hơn một tý nói cùn: Hội hè phải đông mới vui, mà đông đúc ắt mất trật tự. Ai cũng nói hội nhà tôi lộn xộn, nói thế rồi năm nào cũng nườm nượp kéo đến là thế nào. Vị trong Tây Nguyên không nói giọng đó, mà "thật thà" trước thực trạng cái khó bó cái khôn. Ông trả lời chất vấn của nhiều nhà báo về nạn sân khấu hóa diễn xướng cồng chiêng trong một kỳ festival quốc tế trước đó: Tôi biết điều đó không hay, nhưng khó mà khác được. Cồng chiêng bài bản phải được hít thở trong không gian đặc trưng, lôi nhau lên sân khấu festival thì làm sao bày ra không gian ấy được mà cứ phê mãi.

Nhưng ba lần ấy không "hãi" bằng kinh nghiệm của một đàn anh về tuổi nghề truyền lại. Hồi đó vẫn còn viết tay chứ chưa máy tính xách tay như bây giờ, anh "duyệt" bản thảo bài thời sự phản ánh lễ hội rồi phán một câu xanh rờn: "Được đấy! Nhưng đi làm nhiều rồi sẽ thấy viết về lễ hội là sướng nhất. Nó hay, nó dở là do mình muốn (viết) thế nào thôi!".

Nếu không "đóng đinh" quan điểm nhìn nhận một cách cứng nhắc, liệu có ba mẩu chuyện nói trên hay không? Nếu công nhận nguyên tắc bảo tồn di sản văn hóa, tổ chức lễ hội trong xã hội đương đại cần phải có sự dịch chuyển nhất định cho phù hợp thực tế, với một số loại hình di sản là để tồn tại, và tồn tại để phát huy giá trị cơ bản vốn có của nó trong đời sống thì mọi sự có đỡ rối hơn không? Nói như hát xoan, ca trù, những môn hát kén người nghe người hát, nhìn rõ thực trạng thì mới có giải pháp đúng nhằm loại bỏ nguyên nhân khiến nhiều nghệ nhân phải tìm cách cải biên hát xoan, nguyên nhân khiến sân khấu tuồng ngày một ít "đỏ đèn". Như Lễ hội Đống Đa năm nào cũng một lớp lang, một màn sân khấu hóa của các diễn viên tuồng, một bài diễn văn chỉ cần thay đổi thời gian và số liệu thành tích trong năm của "quận nhà" và với những trò chơi không cần nghe giới thiệu cũng biết có gì, nay có nên nghĩ cách thay bằng một kịch bản phong phú hơn không?

Nếu không nhận thức rõ rằng lễ hội truyền thống trong xã hội đương đại đang có sự biến đổi dưới tác động của sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội và văn hóa trong xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, một phần xuất phát từ chính nhu cầu của người dự lễ hội, rất khó tìm được giải pháp linh hoạt phù hợp. Phải chăng, như lời PGS-TS Trần Hữu Sơn (Sở VH-TT&DL Lào Cai) trong bài viết có tựa đề "Các xu hướng biến đổi lễ hội hiện nay và giải pháp quản lý": "Cần nhận thức sự biến đổi của lễ hội cổ truyền cũng như xuất hiện nhiều loại hình tổ chức sự kiện mới là một yếu tố khách quan trong đời sống văn hóa hiện nay. Vì thế không nên có quan điểm cứng nhắc, lấy các nguyên lý tổ chức lễ hội truyền thống làm khuôn mẫu cho việc tổ chức các lễ hội, tổ chức các sự kiện như hiện tại. Ở lĩnh vực này cần bám sát thực tiễn, tổng kết thực tiễn trên cơ sở lý luận về quản lý văn hóa. Trong đó cần đặc biệt nhấn mạnh vai trò chủ thể của cộng đồng người dân tổ chức lễ hội. Người dân phải được tham gia các quá trình tổ chức lễ hội, phải được trao quyền tổ chức lễ hội hiệu quả. Đồng thời cũng không coi nhẹ việc quản lý của nhà nước đối với lễ hội".

Nhận thức đúng vấn đề còn tạo tiền đề thúc đẩy vai trò "tài nguyên du lịch" của lễ hội truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với lễ hội, hình thành dư luận đúng đắn về công tác tổ chức và quản lý lễ hội trong giai đoạn hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội: Phải nhìn rõ thực trạng!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.