Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cái ốc vít, đôi đũa tre... không phải chuyện nhỏ!

Cù Xuân Trường| 15/09/2014 05:50

(HNM) - Việt Nam đã trở thành một "cứ điểm" sản xuất sản phẩm công nghệ cao trên bản đồ thế giới. Trong 400 triệu chiếc điện thoại di động của Samsung được bán ra trên thị trường thì có tới 120 triệu chiếc được sản xuất tại Bắc Ninh...

Thế nhưng, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu chỉ cung ứng được các sản phẩm bao bì, còn cái ốc hay con vít vẫn chưa làm được. Những thông tin như vậy đã hâm nóng câu chuyện đau lòng về trình độ công nghệ và vị trí của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam và làm nhiều doanh nghiệp "nóng mặt". Nhưng thực tế vẫn là thực tế. Giới doanh nghiệp Việt cần nhận diện sự việc một cách tỉnh táo để có bước chuyển phù hợp. Thêm nữa đây cũng chỉ là một trong nhiều câu chuyện về doanh nghiệp Việt Nam trên đường ra "biển lớn".

Chuyện thứ nhất: Thông tin từ hội thảo "Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam" cho biết, trong năm 2013, Samsung Việt Nam đã chi ra 19,8 tỷ USD mua các thiết bị linh kiện, nếu doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được khoảng 10% số đó sẽ thu về một khoản lợi nhuận không nhỏ. Chưa kể, theo Samsung Việt Nam, chỉ riêng dây sạc pin cho điện thoại di động mỗi năm doanh nghiệp này cần 400 triệu sản phẩm, mỗi sản phẩm trị giá 0,5 USD nhưng doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được nên họ vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài... Đây chính là một phần căn nguyên dẫn tới nhận định làm "nóng mặt" nhiều doanh nghiệp cũng như nhà quản lý: Doanh nghiệp Việt Nam không thể cung cấp được cái sạc pin, ốc vít cho các doanh nghiệp FDI...

Nhận định trên gây nhiều phản ứng trái chiều. Có người cho rằng: Samsung là một thương hiệu toàn cầu, tiêu chuẩn Samsung là tiêu chuẩn thế giới. Trong lĩnh vực thiết bị di động, các hãng phải cạnh tranh nhau từng micromet trên mỗi sản phẩm, một con ốc sẽ phải đạt rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe. Vì vậy phụ kiện rất nhỏ, nhưng câu chuyện làm ra nó hoàn toàn không nhỏ. Cũng có ý kiến khác: Trong chuỗi sản xuất, Samsung đã dành những phần béo bở nhất cho lao động Hàn Quốc, những phần phụ, tỷ suất lợi nhuận thấp thì đặt hàng các nước khác. Do vậy, dù doanh nghiệp có khả năng công nghệ, cũng phải cân nhắc hiệu quả của việc đầu tư nhân lực và thiết bị để nhận đơn đặt hàng, chứ không thể "làm cho thế giới biết mặt" để rồi chịu lỗ... Nhiều doanh nghiệp có chung nhận định: Để công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển thì phải có thị trường lớn và điều cốt yếu là Chính phủ phải có chính sách ưu đãi cho những doanh nghiệp này.

Chuyện thứ hai: Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2013 Việt Nam phải chi tới 500 triệu USD để nhập khẩu các loại hạt giống rau. Đáng nói là trong đó rất nhiều loại hạt giống như củ cải, cà chua, dưa chuột, cải bắp, su hào, rau mầm..., chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất. Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam nói: Doanh nghiệp trong nước chưa sở hữu được những tổ hợp lai có thể đáp ứng yêu cầu sản xuất hạt giống chất lượng cao. Ở khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng: Việc mỗi năm phải chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu hạt giống rau là do cơ chế, chính sách của Nhà nước không tạo ra được một hành lang thông thoáng và hấp dẫn để các nhà đầu tư tư nhân vào cuộc. Trong khi đó, ngành sản xuất hạt giống đòi hỏi công nghệ cao và chi phí ban đầu rất lớn...

Thực tế, đại bộ phận doanh nghiệp giống cây trồng của nước ta có quy mô nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Không có khả năng tài chính nên các doanh nghiệp chỉ tập trung nghiên cứu được một vài loại sản phẩm riêng lẻ theo kiểu "mèo nhỏ bắt chuột con". Tuy nhiên, sự manh mún của các doanh nghiệp giống cây trồng chính là lối tư duy "hàng xén", doanh nghiệp chỉ chăm chăm vào chuyện "đánh quả" nhập khẩu hàng về bán lẻ, kiếm chút chênh lệch giá chứ không tính chuyện đầu tư lâu dài. Và một khi các doanh nghiệp chưa thay đổi được tư duy kinh doanh đậm chất tiểu nông như vậy thì Việt Nam vẫn phải lệ thuộc vào việc nhập khẩu giống cây trồng. Và điều này vô cùng nguy hiểm với một quốc gia nông nghiệp.

Chuyện thứ ba: Mỗi năm, Việt Nam phải nhập khẩu cả chục nghìn tấn đũa tre, tăm tre từ Trung Quốc. Với một đất nước "đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn", liệu đây có phải là câu chuyện bình thường? Phải chăng chiếc tăm, đôi đũa của nước ngoài được chế tạo bằng một loại "công nghệ" đặc biệt và có những "công năng" sử dụng vượt trội so với chiếc tăm, đôi đũa của ông bà ta để lại từ xa xưa? Vì chính sách thuế chưa thực sự khuyến khích việc đầu tư sản xuất nên giá thành một gói tăm, đôi đũa của Việt Nam cao hơn của Trung Quốc? Vì các doanh nhân Việt Nam quen thói "làm ngay, ăn ngay"? Hay là vì rừng tre Việt Nam đã cạn kiệt đến mức không còn đủ nguyên liệu cho sản xuất? Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, vậy đằng sau câu chuyện bất bình thường ấy là gì?

Nhà nước đã đưa ra rất nhiều chính sách ưu tiên phát triển các mặt hàng thủ công truyền thống, nhưng vì sao người nông dân vẫn không thể sống bằng nghề cha ông, không thể xuất khẩu được sản phẩm của mình? Không tiêu thụ được sản phẩm, không cạnh tranh được trên "sân nhà", nhiều làng nghề chuyên làm tăm tre đã phải chấp nhận bỏ nghề truyền thống. Thực tế đáng buồn đó đã đem lại kết cục là một đất nước bạt ngàn tre nứa đã phải nhập khẩu từng chiếc tăm, đôi đũa. Các nhà hoạch định chính sách nghĩ gì khi hàng Việt bị doanh nghiệp nước ngoài chèn ép đến "phơi bụng" trên "sân nhà"? Cái nhỏ còn không làm được liệu có tính được chuyện lớn hay không?

Từ ba câu chuyện nêu trên có thể đặt câu hỏi: Sản xuất một con ốc phải bảo đảm tiêu chuẩn khắt khe của một thương hiệu toàn cầu không đơn giản, nhưng tại sao có những mặt hàng đơn giản, lại là thế mạnh của Việt Nam như chiếc tăm, đôi đũa vẫn phải nhập từ nước ngoài? Tại sao chúng ta lại phải bỏ tới hàng trăm triệu USD mỗi năm để nhập về những thứ hoàn toàn có thể sản xuất trong nước như hạt giống cà chua, dưa chuột...? Không phủ nhận cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều bất cập, nhưng cơ quan quản lý và doanh nghiệp không thể biện minh cho sự yếu kém bằng cách đổ lỗi cho cơ chế. Rõ ràng, chúng ta không thể bước đến "sân chơi" tương lai trên cây cầu cũ với lối tư duy manh mún, lối làm ăn "đánh quả", "chộp giật" và kiểu quản lý quan liêu.

Nếu không sản xuất được những cái ốc vít, cái sạc pin điện thoại di động, doanh nghiệp Việt Nam không có chỗ đứng trong một chuỗi giá trị toàn cầu. Điều đó đồng nghĩa với việc người Việt Nam sẽ phải chấp nhận thân phận làm thuê trên chính đất nước mình. Nếu tiếp tục nhập khẩu những chiếc tăm, đôi đũa, chúng ta không chỉ tự đánh mất thế mạnh đối với một mặt hàng truyền thống mà nguy hiểm hơn để doanh nghiệp nước ngoài lũng đoạn ngay trên "sân nhà" với những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Nếu không sản xuất được những hạt giống cây trồng, Việt Nam tiếp tục đánh mất quyền tự chủ đối với một mặt hàng vô cùng quan trọng, có tác động rất lớn đến những người dân "một nắng hai sương", sống dựa vào đồng ruộng. Những vấn đề nêu trên đều không phải là chuyện nhỏ.

Tại sao doanh nghiệp Việt Nam không đầu tư cho công nghệ nguồn, công nghệ chế tạo, công nghệ có hàm lượng chất xám và giá trị gia tăng cao mà cứ lao vào công nghiệp chế biến, lắp ráp, gia công? Vì tiềm lực, vì tư duy... hay vì "bóc ngắn cắn dài"? Muốn vươn ra biển lớn phải có tư duy táo bạo, thay vì "ngửa cổ" trông chờ cơ chế, hoặc "chạy" cơ chế. Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động nguồn lực để đón nhận những làn sóng mới (lĩnh vực điện tử là một ví dụ). Trong bối cảnh toàn cầu hóa, doanh nghiệp Việt Nam không thể một mình đứng ngoài "sân chơi" của thế giới và đối với một đất nước có tới gần 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, phát triển kinh tế nông nghiệp là một tất yếu. Không có lợi nhuận, doanh nghiệp nước ngoài không đến Việt Nam, vấn đề là doanh nghiệp và người dân Việt Nam được gì trong chuỗi lợi nhuận đó. Những "siêu dự án", những cây cầu, con đường hoành tráng cho tương lai là cần thiết nhưng quan trọng không kém là những việc nhỏ nhưng thiết thực để không biến mình thành những kẻ làm thuê ngay trên "sân nhà".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cái ốc vít, đôi đũa tre... không phải chuyện nhỏ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.