Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hổ vùng Celtic “ngã bệnh”

Quỳnh Chi| 24/11/2010 06:42

(HNM) - Nỗi ám ảnh nợ công tiếp tục đeo đuổi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khi Ireland rơi vào tình cảnh tương tự Hy Lạp cách đây vài tháng. Để giải cứu hệ thống ngân hàng và san bằng "núi" nợ công chồng chất, quốc gia Tây Bắc Âu này có thể phải cần tới 90 tỷ euro từ Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF).

Nếu chia theo bình quân đầu người thì số tiền giải cứu đất nước 4,5 triệu dân này khá lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào hệ thống ngân hàng trị giá hơn 1.310 tỷ euro đang điêu đứng và những khoản nợ lên tới trên 500 tỷ euro mà các ngân hàng này đang nắm giữ từ châu Âu thì con số 90 tỷ chẳng thấm là bao.

Đáng nói là, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ireland không đơn thuần là những yếu kém về mặt tài chính mà còn là tình trạng bất ổn nghiêm trọng trên thị trường nhà đất. Đây là hậu quả của một thời gian dài kiểm soát tín dụng quá lỏng lẻo khiến bong bóng bất động sản phình to. Chỉ trong 10 năm, giá nhà nhảy vọt lên gần gấp 4 lần. Sau khi Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) sụp đổ vào tháng 9-2008, thị trường nhà đất bắt đầu sụp đổ. Hiện tại, tổng mức thua lỗ tại các ngân hàng cho vay nước này, trong đó tính cả ngân hàng do nước ngoài nắm một phần sở hữu, lên tới 85 tỷ euro, tương đương 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Trong tuần qua các nhà lãnh đạo châu Âu liên tục thúc bách Dublin sớm nhận trợ giúp từ EFSF. Ngoài kế hoạch cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ireland còn được hai quốc gia không sử dụng đồng euro là Anh và Thụy Điển đề xuất cho vay vốn trực tiếp. Việc các bên liên quan đạt được đồng thuận về giải cứu Ireland vào ngày 21-11, trước khi các thị trường toàn cầu mở cửa tuần giao dịch mới là dấu hiệu cho thấy một kết cục tồi tệ có thể xảy ra đối với Ireland và các quốc gia nặng nợ khác ở châu Âu nếu không thực thi những hành động khẩn cấp.

Tuy nhiên, "bát cháo cầm hơi" này chỉ có giá trị tạm thời với châu Âu trừ khi vấn đề cốt yếu được giải quyết. Điều Ireland cần làm hơn hết là một kế hoạch tái cấu trúc các khoản nợ rủi ro của ngân hàng và giảm thâm hụt ngân sách của Ireland về mức 3% vào năm 2014. Ngay cả khi những điều này được triển khai tức thì, Ireland cũng khó lòng thoát ngay khỏi vùng nguy hiểm. Các nhà đầu tư hiện nay cũng đang nghi ngờ tính bền vững của cơ chế cứu trợ. Vì nó đang bị người dân ở những nước phải chi tiền cho EFSF phản đối. Bản thân người dân ở quốc gia được cứu trợ cũng không mặn mà vì các điều khoản đi kèm thường quá khắc nghiệt, đặc biệt là những yêu cầu cắt giảm chi tiêu ngân sách gây ảnh hưởng tới mạng lưới an sinh xã hội. Vì vậy các nước Eurozone đang bên bờ vực phá sản khác không nên quá kỳ vọng vào phương thuốc này.

Được mệnh danh là "Con hổ vùng Celtic" bởi những thành công kỳ diệu trong hơn một thập niên qua nhờ chính sách thuế thấp nhất châu Âu, thu hút nhiều nhà đầu tư đa quốc gia, nhưng Ireland hiện chỉ còn là cái bóng của chính mình khi GDP giảm 7%, thất nghiệp chiếm 14% dân số, tỷ lệ nợ chiếm tới 32% GDP. Để được EU và IMF cho vay, Ireland đã phải bước vào thời kỳ "thắt lưng buộc bụng" nhằm tiết kiệm 15 tỷ euro (gần 10% GDP) trong 4 năm tới. Tuy nhiên, người dân Ireland dường như chưa thể làm quen ngay được với sự thật cay đắng này. Đây là nguyên nhân đẩy quốc đảo xinh đẹp của biển Celtic thuộc Đại Tây Dương đứng trước sóng gió mới về chính trị. Ngày 23-11, do sức ép của dư luận, Thủ tướng Brian Cowen đã buộc phải tán thành một cuộc bầu cử sớm vào tháng 1-2011. Các cử tri cho rằng, Chính phủ tiếp nhận gói cứu trợ từ EFSF sẽ làm tổn hại tới "niềm kiêu hãnh" và vị thế của Ireland trên trường quốc tế. Khó có thể nghĩ tới hai từ "an lành" ở Ireland khi mùa Giáng sinh đang đến gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hổ vùng Celtic “ngã bệnh”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.