Theo dõi Báo Hànộimới trên

Từ nỗi đau đến nỗi lo

Đình Hiệp| 26/11/2010 07:06

(HNM) - Đất nước Campuchia vừa trải qua giờ phút đen tối nhất trong lịch sử kể từ khi chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ năm 1979 đến nay, khi thảm họa kinh hoàng xảy ra đêm 22-11 trên chiếc cầu nhỏ dẫn tới đảo Koh Pich ở thủ đô Phnom Penh - nơi diễn ra các hoạt động lễ hội nước truyền thống hằng năm.

>>Toàn cảnh thảm họa giẫm đạp ở lễ hội nước Campuchia

Kết quả điều tra sơ bộ mới nhất của Ủy ban Phụ trách điều tra thảm họa Campuchia cho thấy, bi kịch xảy ra sau khi chiếc cầu dẫn vào đảo Koh Pich bắt đầu rung lắc khiến đám đông khoảng 7.000 đến 8.000 người có mặt trên cầu hoảng loạn và giẫm đạp lên nhau để thoát thân.

Nỗi bàng hoàng chưa qua với người dân Phnom Penh sau thảm họa. Ảnh: Dương Hiệp

Nhiều người trong số họ đến từ các tỉnh khác nên không biết cầu treo rung lắc là điều bình thường. Vì sợ cây cầu sẽ sập, họ cố tìm cách bỏ chạy và nhiều người đã nhảy xuống sông để thoát thân. Điều tra ban đầu cũng khẳng định, các nạn nhân chết là do ngạt thở và bị giẫm đạp, không có dấu hiệu của điện giật hay khủng bố. Số người thiệt mạng và bị thương vẫn được ủy ban trên cập nhật từng ngày, theo số liệu của Bộ Xã hội Campuchia, tính đến sáng ngày 25-11, đã có 347 người chết và 395 người bị thương, song thảm họa trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn trong tổ chức sự kiện lễ hội ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.

Thảm họa lễ hội ở Campuchia vừa qua không phải là vấn đề mới. Sự hoảng loạn của đám đông dẫn đến những cảnh giẫm đạp đẫm máu thường xảy ra hằng năm ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Các nhà khoa học cho rằng, đó là một trạng thái đặc biệt của tâm lý, nhưng dù thế nào đi nữa, hiện tượng này có chung một nguyên nhân: Nỗi sợ hãi tập thể.

Trong thập kỷ vừa qua, hầu như năm nào thế giới cũng phải chứng kiến những vụ chết người do giẫm đạp, với số người thiệt mạng lên tới hàng nghìn người, xảy ra chủ yếu ở các lễ hội hoặc địa điểm tôn giáo. Trong đó phải kể đến vụ giẫm đạp của tín đồ Hồi giáo hành hương trên một cây cầu tại Thánh địa Mecca tháng 2-2004 khiến 251 người thiệt mạng. Tháng 3-2005, 265 tín đồ Hindu hành hương chết trong cuộc giẫm đạp tại một đền thờ ở Ấn Độ. Tháng 8-2005, 1.000 người chết trên một cây cầu ở thủ đô Baghdad (Iraq) do báo động giả. Tháng 1-2006, 345 người thiệt mạng trên một cây cầu ở Thánh địa Mecca, lập lại đúng kịch bản như vụ giẫm đạp tháng 2 năm trước đó...

Trong số các quốc gia hay xảy ra thảm họa do giẫm đạp phải kể đến Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới. Hầu hết những thảm kịch dạng này tại Ấn Độ có liên quan đến các lễ hội tôn giáo, nơi tập trung đông tín đồ sùng đạo. Một quốc gia khác cũng thường xảy ra các vụ giẫm đạp đẫm máu liên quan đến tôn giáo là Arap Saudi, quê hương của đạo Hồi. Năm nay thế giới cũng đã xảy ra một loạt vụ giẫm đạp lớn khác như vụ hoảng loạn sau khi một cổng vào đền thờ Ram Janki (Ấn Độ) bị sập tháng 4-2010 khiến 71 người chết, hơn 200 người bị thương. Tháng 7 vừa qua, có tới 21 người chết, 500 người bị thương trong vụ giẫm đạp lên nhau trong đường hầm dẫn đến địa điểm tổ chức Nhạc hội Tình yêu tại thành phố Duisburg (Đức)...

Lễ hội nước của Campuchia là lễ hội lớn nhất hằng năm tại quốc gia Đông Nam Á này, đánh dấu thời điểm kết thúc mùa mưa và sự đổi dòng chảy giữa sông Tonle Sap và Mekong. Tuy nhiên, lễ hội vừa qua đã biến thành thảm họa khủng khiếp với người dân xứ chùa Tháp. Chính phủ Campuchia đã quyết định xây tháp tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch này. Bộ Du lịch Campuchia cũng đã yêu cầu tất cả các doanh nghiệp, cơ sở giải trí ngừng hoạt động trong ngày 25-11 - ngày tổ chức quốc tang các nạn nhân thiệt mạng.

Nhiều ý kiến cho rằng, những thảm kịch như vừa xảy ra ở Campuchia hay ở nhiều quốc gia trên thế giới đều bắt nguồn từ sự thiếu tính toán của ban tổ chức cùng với sự thiếu ý thức của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế mọi tính toán đều có thể vượt ra ngoài sự kiểm soát khi có quá đông người tập trung. Đây là một bài học đắt giá về tổ chức các sự kiện lễ hội có ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt những lễ hội đông người, tránh một thảm cảnh tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Từ nỗi đau đến nỗi lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.