Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc tìm kiếm cân bằng Đông - Tây

Phương Quỳnh| 06/06/2012 06:25

(HNM) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đang ghi dấu tròn một tháng trở lại Điện Kremlin bằng một tuần lễ dày đặc các sự kiện ngoại giao.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko (Nguồn: AFP)

Đầu tiên là chuyến công du tới nước láng giềng Belarus và hai trụ cột của Châu Âu là Đức và Pháp trong 2 ngày (31-5 và 1-6). Sau khi trở về với tư cách lãnh đạo nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Liên minh Châu Âu (EU) tại Saint Peterburg (ngày 2 và 3-6), người đứng đầu Điện Kremlin đã gấp rút thực hiện chuyến thăm Châu Á với điểm nhấn là Trung Quốc (vào ngày 5 và 6-6) và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) trong vai trò thành viên sáng lập. Điểm dừng chân cuối cùng của Tổng thống V.Putin trong chuyến đi này là Kazakhstan - một "chân kiềng" trong liên minh thuế quan cùng Nga và Belarus.

Các điểm đến của Tổng thống V.Putin đã làm rõ hơn về cuộc tìm kiếm cân bằng trong quan hệ Đông - Tây của ông chủ Điện Kremlin. Tuy nhiên, sự liên kết khu vực trong không gian hậu Xô viết và mối quan tâm Châu Á vẫn là ưu tiên hàng đầu của người đứng đầu xứ Bạch dương. Điều này một lần nữa khẳng định Mátxcơva sẽ tiếp tục chính sách hướng Đông vốn hình thành trong vài năm trở lại đây.

Về địa lý, các trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Nga đều nằm ở phần lãnh thổ thuộc Châu Âu; song phần lớn lãnh thổ Nga lại thuộc Châu Á. Trong thập kỷ qua, dưới sự chèo lái của hai nhà lãnh đạo V. Putin và Dmitri Medvedev, nước Nga đã dần lấy lại vị thế vốn có; nhưng để giữ vững và phát huy những thành quả đạt được, quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới này cần phải tiếp tục cải cách và khắc phục những yếu kém tồn tại, trong đó đáng chú ý là những điểm yếu của nền kinh tế lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu năng lượng. Chính sách hướng Đông của Nga được xây dựng và đang tiếp tục được người vừa trở lại Điện Kremlin đẩy tới cũng nhằm đáp ứng mục tiêu này.

Như vậy không có nghĩa mối quan hệ lợi ích ràng buộc truyền thống giữa Nga và Châu Âu với nòng cốt là EU - đối tác thương mại hàng đầu của xứ Bạch dương - trở thành thứ yếu. Tuy nhiên, trong thời điểm EU đang quay cuồng với cuộc khủng hoảng nợ đe dọa "số phận" của đồng tiền chung euro cùng những mâu thuẫn cố hữu cả về kinh tế lẫn chính trị giữa hai bên thì mối quan hệ song phương Nga - EU được cho là vẫn ở đâu đó bên ngoài "tuần trăng mật". Không khó để nhận ra thực tế này tại Hội nghị Thượng đỉnh Nga - EU vừa khép lại mà không đạt được bước đột phá đáng kể nào.

Trong khi đó, Châu Á đang chứng tỏ là khu vực có sức sống nhất trong sự phát triển kinh tế toàn cầu. Cùng với sự trỗi dậy về kinh tế, sức nặng trong tiếng nói chính trị, quân sự và an ninh của Châu Á cũng ngày càng được củng cố. Vì vậy, có thể hiểu vì sao việc thúc đẩy hội nhập không gian hậu Xô viết và tăng cường quan hệ với các quốc gia Châu Á lại là một trong những nhiệm vụ được Tổng thống V.Putin ưu tiên trong nhiệm kỳ này. Rõ ràng, trong khi tầm ảnh hưởng sang phía Đông của các quốc gia phương Tây dường như chững lại do khủng hoảng đã trao cho Nga cơ hội thuận lợi để thực hiện phần trọng tâm trong kế hoạch tổng thể của Tổng thống V.Putin nhằm thống nhất nỗ lực của các nước thuộc Liên Xô cũ, tăng cường sức mạnh trong cuộc chạy đua địa - chính trị với Mỹ và EU.

Không phải ngẫu nhiên Mátxcơva đặt ra thời điểm năm 2015 là hạn chót cho việc xây dựng liên minh Á - Âu. Đây là thời điểm Mỹ không còn vướng bận vào cuộc chiến ở Iraq và cắt giảm phần lớn binh sĩ tại chiến trường Afghanistan, trong khi làn sóng "Mùa xuân Arab" ở Trung Đông và Bắc Phi được dự báo sẽ lắng dịu. Nhờ vậy, Mỹ có thể "rảnh tay" tập trung cả nguồn lực quân sự lẫn ngoại giao cho chiến lược Châu Á - Thái Bình Dương. Do đó, Tổng thống V.Putin muốn tận dụng tối đa quãng thời gian 3 năm tới để hoàn tất "dự án" được đánh giá là sẽ giúp vẽ lại bản đồ địa - chính trị toàn cầu. Vì một trật tự kinh tế do Nga dẫn đầu và đồng rúp trở thành "đồng tiền chung" của khu vực cùng tiếng Nga là ngôn ngữ thương mại chính thức sẽ thúc đẩy liên kết nhiều chiều; đồng thời giúp các nước láng giềng của Nga thêm gắn kết. Nếu vậy, những ảnh hưởng từ bên ngoài sẽ khó có thể xuyên thủng một không gian hậu Xô viết mới.

Ngoài liên minh Á - Âu về kinh tế, sự hiện diện tại SCO lần này của người đứng đầu Điện Kremlin cho thấy, Mátxcơva tiếp tục coi trọng tăng cường hợp tác về an ninh và thúc đẩy mở rộng SCO với nòng cốt vẫn là các quốc gia trong không gian hậu Xô viết. Với 6 nước thành viên: Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và 4 quan sát viên Ấn Độ, Iran, Mông Cổ, Pakistan; một SCO từ phương Đông đã định hình. Đây được xem là một đối trọng tiềm tàng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với tầm ảnh hưởng trải rộng trên 30,18 triệu kilômét vuông, vắt ngang từ Châu Âu tới tận Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc tìm kiếm cân bằng Đông - Tây

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.