Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Mỹ - Pakistan: Vết rạn khó hàn gắn

Trung Hiếu| 14/06/2012 06:22

(HNM) - Sự kiện các nhà đàm phán Mỹ rời Islamabad với hai bàn tay trắng sau cuộc hội đàm, ngày 11-6, giữa hai bên về việc mở lại tuyến tiếp vận quân sự cho lực lượng Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Afghanistan đã và đang đẩy quan hệ đồng minh Mỹ - Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố xuống mức rất thấp.

Quan hệ giữa Islamabad và Washington tiếp tục căng thẳng từ việc vận chuyển quân dụng và hàng hóa tiếp tế cho lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan bị ách tắc ở Pakistan.

Nỗ lực trong 6 tuần tại Pakistan để thương lượng nhằm mở lại tuyến vận chuyển quân sự được xem là sống còn cho cuộc chiến chưa có hồi kết tại Afghanistan của các nhà thương lượng Mỹ đã rơi vào vô vọng. Người phát ngôn Lầu Năm góc George Little, ngày 12-6, chua chát cho biết, trước mắt không có đột phá nào và cũng chưa có dự định nào về thời điểm nối lại đàm phán. Thất bại này đã khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa hai quốc gia đồng minh vốn đã căng thẳng do các cuộc không kích của Mỹ vào lãnh thổ Pakistan; đặc biệt sau vụ lực lượng đặc nhiệm Mỹ bất ngờ qua mặt Islamabad đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden ngay trên đất Pakistan.

Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Washington tìm cách hàn gắn quan hệ với Pakistan. Hồi cuối tháng 4-2012, đặc phái viên hàng đầu của Mỹ về Pakistan Marc Grossman đã tới thủ đô Islamabad với nhiệm vụ "làm sâu sắc và mở rộng" cuộc đối thoại giữa Washington và Islamabad sau khi Quốc hội Pakistan đưa ra đánh giá về mối quan hệ với Mỹ, trong đó nêu một loạt đề xuất, gồm cả việc Mỹ phải chấm dứt các cuộc không kích. Tuy nhiên, chuyến đi đã không cải thiện được mối quan hệ vốn đã nhiều rạn nứt này. Sau đó, Washington đã sử dụng không ít "liệu pháp" nhằm vực dậy quan hệ với Islamabad nhưng mọi cố gắng chưa mang lại kết quả như mong muốn. Sau cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Abdul Rahim Wardak khi dừng chân ở Afghanistan trong chuyến công du nhiều nước Châu Á nhưng không có Pakistan, ngày 7-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tuyên bố, Washington đang mất dần kiên nhẫn với Pakistan. Đáp lại yêu cầu của người đứng đầu Lầu Năm góc rằng, Pakistan phải triệt tiêu mạng lưới Haqqani ở Bắc Waziristan và cuộc chiến của Mỹ và đồng minh không thể giành thắng lợi tại Afghanistan nếu các căn cứ của phiến quân ở Pakistan không bị tiêu diệt thì Islamabad lại cho rằng tấn công một kẻ thù không gây đe dọa nào với Pakistan sẽ khiến cuộc chiến chống Taliban ở nước này bị dàn trải. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng L.Panetta tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục các cuộc không kích bí mật bằng máy bay không người lái tại Pakistan đã khiến Islamabad tức giận. Đại sứ Pakistan tại Mỹ, bà Sherry Rehman, đã lên tiếng chỉ trích và cho rằng tuyên bố của một quan chức cấp cao trong Chính phủ Mỹ là "rất nghiêm trọng" và "làm thụt lùi tiến trình thu hẹp những bất đồng song phương" giữa Pakistan và Mỹ...

Vấn đề ở đây là niềm tin trong quan hệ đồng minh giữa hai bên trong một cuộc chiến khó nhìn thấy hồi kết đã có dấu hiệu mai một. Đồng minh chiến lược của Mỹ tại Nam Á đã thiệt hại hàng nghìn binh sĩ trong các chiến dịch phối hợp với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố thời gian qua. Nhưng, theo Islamabad những nỗ lực của Pakistan đã không được Mỹ và phương Tây nhìn nhận một cách xứng đáng. Thêm vào đó, trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là tiến trình hòa đàm với Taliban ở Afghanistan, giữa Washington và Islamabad cũng có không ít bất đồng. Mỹ muốn đàm phán để bảo đảm cho sự yên bình của Afghanistan sau khi binh sĩ Mỹ và đồng minh rút quân nhưng trong một báo cáo bị rò rỉ, NATO cho biết, Taliban, được sự hậu thuẫn của Pakistan, dự kiến sẽ trở lại Afghanistan để đua tranh quyền lực sau khi quân đội Mỹ và NATO rút đi vào năm 2014...

Tất thảy những bất đồng trong quan hệ Mỹ - Pakistan đang hình thành một chặng đường đầy chông gai không dễ vượt. Căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Pakistan khó có thể hàn gắn trong tương lai gần. Vết rạn này kéo dài dự báo nhiều hệ lụy có nguy cơ làm lung lay "hậu phương" quan trọng của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại địa bàn trọng điểm Nam Á. Đây là điều Washington không mong muốn khi thời gian rút quân của Mỹ và đồng minh tại chiến trường Afghanistan đang ngày một đến gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Mỹ - Pakistan: Vết rạn khó hàn gắn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.