Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ Nhật Bản thông qua gói cứu trợ 5,3 tỷ USD: Lấy lại lòng tin

Đình Hiệp| 28/10/2012 05:51

(HNM) - Nhằm tránh nguy cơ cho nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc đi vào vết xe đổ như các nước Châu Âu khi chấp nhận tình trạng giảm phát ngày một tăng trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu, ngày 26-10, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá 422,6 tỷ yên (khoảng 5,3 tỷ USD).

Cùng với khoản tài trợ khác của các địa phương, gói chính sách có tổng giá trị lên tới 750 tỷ yên được thông qua là loạt biện pháp đầu tiên của Chính phủ Nhật Bản trong năm tài chính 2012 này nhằm vực dậy nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang trên đà suy giảm từ sau thảm họa động đất, sóng thần hồi tháng ba năm ngoái.

Gói kích thích vừa được thông qua hy vọng sẽ giúp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng.


So với khoản cứu trợ mà các nước Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) đã tung ra để giải cứu nền kinh tế, gói kích thích trị giá 5,3 tỷ USD kia chưa nhiều nhưng nó lại được kỳ vọng sẽ giúp tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản thêm hơn 0,1%. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Chính phủ Nhật Bản dành tới 260 tỷ yên trong gói kích thích này để xây dựng lại vùng Đông Bắc sau thảm họa động đất, sóng thần. Ngoài ra, Chính phủ cũng dành 120,3 tỷ yên để trợ cấp cho các công ty hoạt động ở vùng Đông Bắc chịu thiệt hại nặng bởi thảm họa, trong khi các dự án phòng chống thiên tai cũng được cấp 144 tỷ yên. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng dành 3,8 tỷ yên để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển tế bào gốc đa năng nhân tạo trong một dự án sau khi giáo sư Shinya Yamanaka của Trường Đại học Kyoto giành giải Nobel Y học năm nay.

Quyết định thông qua gói kích thích trên được Chính phủ Nhật Bản đưa ra chưa đầy một tháng sau khi Thủ tướng Yoshihiko Noda tiến hành cải tổ nội các lần thứ 3 liên tiếp sau một năm cầm quyền. Rõ ràng việc thay tới 10 trong tổng số 18 thành viên nội các được Thủ tướng Y.Noda kỳ vọng không chỉ sẽ giành được sự ủng hộ lớn hơn của cử tri khi cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn dự kiến sắp diễn ra, mà còn nhắm vào mục tiêu quan trọng hơn là vực dậy nền kinh tế đất nước trong bối cảnh nợ công đã vượt 200% GDP.

Gói "giải cứu" vừa được thông qua là thông điệp quan trọng mà Nhật Bản muốn gửi tới thị trường trước cuộc họp chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương nước này dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30-10 tới. Bởi, nhiều thành viên nội các Nhật Bản đang kêu gọi ngân hàng nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để khuyến khích tăng trưởng và chống giảm phát. Việc thông qua gói kích thích kinh tế trên nằm trong số 90,3 nghìn tỷ yên ngân sách quốc gia năm tài chính 2012 cho thấy, Chính phủ Nhật Bản không còn nhiều tiền để tăng chi tiêu thúc đẩy nền kinh tế đang suy giảm. Các biện pháp kích thích kinh tế có thể sẽ bị lu mờ, bởi trên thực tế Chính phủ của Thủ tướng Y.Noda chưa thể thông qua dự luật cho phép phát hành công trái để bù đắp thâm hụt ngân sách vì vấp phải sự phản đối của phe đối lập.

Kết quả điều tra mới đây của tờ Asahi Shimbun cho thấy, uy tín nội các của Thủ tướng Y.Noda đã tụt xuống mức 18%, lần đầu tiên nằm dưới ngưỡng 20% kể từ khi nhậm chức tháng 9-2011. Cuộc điều tra dư luận trên cũng cho thấy, sự ủng hộ với đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền chỉ đứng ở mức 11%, trong khi đảng Dân chủ Tự do (LDP) đối lập lại nhận được 26% ủng hộ, tăng so với 21% trước đó. Trong bối cảnh áp lực ngày một lớn từ các đảng đối lập về việc giải tán Hạ viện trước thời hạn để chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử có thể diễn ra vào mùa Hè năm 2013, gói kích thích trên càng có ý nghĩa với Chính phủ của Thủ tướng Y.Noda trong việc lấy lại lòng tin của cử tri về tương lai nền kinh tế. Các quan chức Chính phủ Nhật Bản cũng để ngỏ việc thông qua gói kích thích kinh tế thứ hai sau khi Quốc hội nước này thông qua dự luật cho phép phát hành công trái để bù đắp thâm hụt ngân sách trong thời gian tới. Tuy nhiên, liệu gói kích thích kinh tế vừa tung ra có mang lại hiệu quả như mong đợi của Chính phủ Nhật Bản hay không, câu trả lời vẫn còn ở phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ Nhật Bản thông qua gói cứu trợ 5,3 tỷ USD: Lấy lại lòng tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.