Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bán đảo Triều Tiên lại bị “đốt nóng”

Đình Hiệp| 05/12/2012 06:34

(HNM) - Bốn ngày sau tuyên bố của Ủy ban Công nghệ vũ trụ Triều Tiên về kế hoạch phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 bằng tên lửa đẩy Unha-3, bán đảo Triều Tiên đang nóng lên từng ngày.


Trong khi Triều Tiên gấp rút hoàn tất những công đoạn cuối cùng để thực hiện vụ phóng, các bên liên quan trong vòng đàm phán sáu bên cũng liên tục phát đi những tuyên bố phản đối hành động được cho là đe dọa sự ổn định trong khu vực.


Ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy những dấu hiệu về kế hoạch phóng vệ tinh mới của Triều Tiên.

Cùng Hàn Quốc và Mỹ, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối kịch liệt vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên. Chưa đầy 24 tiếng sau khi kế hoạch về vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng được khẳng định, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã quyết định hoãn cuộc đàm phán giữa hai nước dự kiến diễn ra hôm nay (5-12) tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Cùng với lệnh cho Lực lượng Phòng vệ chuẩn bị sẵn sàng đánh chặn, phá hủy tên lửa của Triều Tiên, các bộ trưởng của Nhật Bản đã họp khẩn để thảo luận biện pháp đối phó. Rút kinh nghiệm sau "sự cố" bị chỉ trích vì thông báo chậm khoảng 40 phút trong vụ Bình Nhưỡng phóng vệ tinh hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Y.Noda đã chỉ thị cho các thành viên nội các thu thập và phân tích thông tin để "đáp trả" phù hợp nhằm bảo đảm an ninh; đồng thời khuyến cáo người dân chú ý theo dõi tin tức bởi Chính phủ Nhật Bản sẽ thông báo các thông tin liên quan đến vụ phóng "bất cứ lúc nào có thể". Từ tháng ba vừa qua Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã hạ lệnh triển khai một hệ thống đánh chặn tên lửa PAC-3 và tàu khu trục trang bị hệ thống phòng vệ Aegis để sẵn sàng bắn hạ tên lửa đẩy tầm xa của Triều Tiên nếu nhận thấy nó gây nguy hại cho Nhật Bản.

Căn cứ thông báo mới nhất của Triều Tiên, tầng đầu tiên của tên lửa sau khi rời bệ phóng sẽ rơi xuống biển Hoàng Hải ở ngoài khơi phía tây bán đảo Triều Tiên. Tầng thứ hai rơi xuống biển ở khu vực cách Philippines khoảng 190km về phía đông. Bình Nhưỡng cho biết, vệ tinh sẽ được phóng theo hướng nam từ Trung tâm vũ trụ Sohae; đồng thời "một đường bay an toàn đã được chọn để đề phòng trường hợp những phần của tên lửa đẩy có thể rơi trong quá trình phóng không ảnh hưởng tới các nước láng giềng". Triều Tiên một lần nữa khẳng định sẽ tuân thủ các quy định quốc tế trong vụ phóng vệ tinh và việc phóng vệ tinh không nằm ngoài phục vụ mục đích khoa học.

Để sẵn sàng đối phó với sự kiện đang được khu vực và thế giới quan tâm, Hàn Quốc đã lên kế hoạch theo dõi đường bay của tên lửa trên biển Hoàng Hải nhằm tránh các vụ va chạm có thể xảy ra giữa tàu thuyền, máy bay với các mảnh vỡ của tên lửa. Bộ Các vấn đề đất đai, vận tải và biển Hàn Quốc vừa ra quyết định thay đổi đường bay hoặc thời gian một số chuyến bay của các hãng hàng không Korean Air và Asiana Airlines tới Philippines. Các nhà ngoại giao cấp cao của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản có thể sẽ gặp nhau tại Washington vào cuối tuần để thảo luận cách đối phó với hành động của Triều Tiên mà những nước này cho là một vụ phóng tên lửa tầm xa.

Thực hiện vào thời điểm Triều Tiên kỷ niệm một năm ngày mất của nhà lãnh đạo Kim Jiong-Il, đặc biệt khi cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc diễn ra vào ngày 19-12 đang đến gần, vụ phóng tên lửa đẩy vệ tinh của Triều Tiên đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, củng cố quyền lực lãnh đạo trong nước và gây sức ép với bên ngoài là thông điệp kép của vụ phóng vệ tinh lần thứ hai trong năm của Triều Tiên. Nếu vụ phóng thành công sẽ là bằng chứng cho thấy vai trò quan trọng của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un sau một năm nắm giữ quyền lực. Trên bình diện khác, vụ phóng cũng được cho là nhằm gây sức ép khiến Mỹ phải nhượng bộ và nối lại viện trợ.

Bất chấp Bình Nhưỡng khẳng định phóng vệ tinh chỉ nhằm mục đích hòa bình nhưng Mỹ cùng các đồng minh cho rằng: như vụ phóng bất thành hồi tháng 4 vừa qua - đây là một thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Không chỉ hối thúc Triều Tiên hủy bỏ kế hoạch phóng tên lửa đang làm "nóng" cả khu vực, trong một phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã lên tiếng yêu cầu Bình Nhưỡng phối hợp xây dựng lòng tin với các nước láng giềng để tránh những căng thẳng không đáng có như vụ phóng đang đến điểm nổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bán đảo Triều Tiên lại bị “đốt nóng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.