Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc thoái lui không dễ dàng

Trung Hiếu| 10/01/2013 07:20

(HNM) - Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đang có chuyến công du quan trọng tới Mỹ (từ ngày 7-1). Chuyến



Lực lượng quân đội nước ngoài rút khỏi Afghanistan để lại một khoảng trống an ninh đáng kể.

Trong một diễn biến mới, ngày 8-1, ba ngày trước cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống H.Karzai (11-1), một quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết chính quyền B.Obama không loại trừ khả năng rút toàn bộ binh lính ra khỏi Afghanistan sau năm 2014, như đã làm với cuộc chiến Iraq năm 2011. Trước đó, ngày 7-1, một số quan chức Nhà Trắng cho biết, ông B.Obama ngả theo hướng có thể chỉ duy trì dưới 10.000 quân tại quốc gia Tây Nam Á này sau năm 2014 thay vì 20.000 quân như kế hoạch ban đầu. Phó Cố vấn An ninh quốc gia Ben Rhodes cho biết, mặc dù đã có kiến nghị của Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Afghanistan, Tướng John Allen, về việc duy trì từ 6.000 đến 15.000 quân sau năm 2014, nhưng rất có thể Tổng thống B.Obama sẽ chỉ chấp nhận ở mức dưới 10.000, không kể số binh sĩ bảo vệ Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan. Hiện tại, trong khoảng 100.000 binh sĩ do NATO đứng đầu tại Afghanistan có hơn 60.000 binh sĩ Mỹ.

Những tin "dọn đường" trước cuộc hội đàm giữa Tổng thống B.Obama và người đồng cấp H.Karzai không hoàn toàn ngẫu nhiên khi hai nước đang chuẩn bị cho Hiệp định An ninh song phương lâu dài giữa Afghanistan và Mỹ (BSA), đã chính thức bước vào đàm phán tại Kabul từ ngày 15-12-2012. Trong đó bao gồm cả quy mô hiện diện của quân đội Mỹ tại nước này sau năm 2014. Đây là vấn đề gây nhiều tranh luận và vấp phải không ít sự phản đối tại Afghanistan và một số nước láng giềng. Bởi nếu được ký kết, BSA sẽ bảo đảm cho sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Và đây là điều Washington mong muốn để có được cuộc rút quân hoàn hảo trên nhiều phương diện.

Còn nhớ, hồi năm 2011, Tổng thống B.Obama đã quyết định rút toàn bộ lính Mỹ ra khỏi Iraq sau khi chính phủ nước này không nhất trí với điều khoản miễn trừ cho số binh lính Mỹ sẽ ở lại. Bởi vậy, với các thông tin vừa phát ra, hẳn là Washington muốn phát đi thông điệp rằng, Kabul cũng nên chấp nhận các điều khoản tương tự dành binh lính Mỹ ở lại Afghanistan sau năm 2014.

Thế nhưng, vấn đề được dư luận khu vực và quốc tế quan tâm nhất hiện nay là "nội lực" của chính quyền Tổng thống H.Karzai với "bài toán an ninh" của đất nước khi quân đội nước ngoài rút đi. Sẽ là rất khó khăn. Bởi, trước thềm cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Afghanistan, ngày 8-1, tại quốc gia Tây Nam Á này tiếp tục xảy ra "tấn công nội bộ". Theo Người phát ngôn Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF) do NATO cầm đầu, Thiếu tá Martyn Crighton, một binh sĩ Afghanistan đã nổ súng bắn chết một đồng nghiệp người Anh, tại một căn cứ quân sự ở quận Nahr-e Saraj thuộc tỉnh Helmand ở khu vực miền Nam. Ngay sau đó, phiến quân Taliban đã gửi một thư điện tử cho hãng tin Pháp AFP và cho biết một thành viên của nhóm này đã trà trộn vào căn cứ trên để thực hiện vụ tấn công, sát hại 8 binh sĩ người Anh và 2 binh sĩ Afghanistan. Trước đó, ngày 5-1, phong trào Hồi giáo Taliban đã cảnh báo về một cuộc chiến kéo dài ở Afghanistan nếu còn bất cứ binh sĩ nước ngoài nào ở lại Afghanistan sau cuối năm 2014. Vụ việc đã làm xói mòn nghiêm trọng sự tin cậy giữa các lực lượng NATO và lực lượng an ninh Afghanistan. Hơn 60 binh sĩ nước ngoài đã thiệt mạng trong các vụ "tấn công nội bộ" năm 2012. NATO cho biết, 1/4 số vụ "tấn công nội bộ" là do những phần tử Taliban trà trộn thực hiện, còn lại là những vụ bắt nguồn từ mâu thuẫn cá nhân và khác biệt văn hóa giữa binh sĩ nước ngoài và đồng nghiệp Afghanistan.

Với chuyến thăm đang diễn ra, dư luận cho rằng, có thể Washington sẽ đạt được điều mong muốn từ chuyến công du của ông H.Karzai. Lực lượng quân đội Mỹ ở lại sẽ có nhiệm vụ ngăn chặn mạng lưới khủng bố Al-Qaeda trở lại Afghanistan và khả năng bảo đảm an ninh của các lực lượng sở tại sau khi quân đội nước ngoài rút đi. Nhưng, điều này đang khiến cộng đồng quốc tế hoài nghi. Bởi ngay cả khi chính quyền Kabul có một lực lượng quân đội hùng mạnh với sự trợ giúp của hàng trăm nghìn binh lính nước ngoài, an ninh nội tại của Afghanistan vẫn còn quá nhiều lỗ hổng khó lấp. Vậy, khi chỉ còn vài nghìn binh sĩ Mỹ hỗ trợ, chắc chắn thách thức sẽ nhân lên gấp bội với chính quyền của ông H.Karzai. Đây quả là hồi kết khó có thể nói là có hậu trong "ván bài" rút quân của Washington.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc thoái lui không dễ dàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.