Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyển hướng đối ngoại, củng cố nội lực

Đình Hiệp| 04/02/2013 07:28

(HNM) - Quan hệ Australia - Đức vừa bước sang trang mới khi tuần qua, Ngoại trưởng Australia Bob Carr và người đồng cấp Ðức Guido Weterwell ký Tuyên bố Berlin - Canberra nâng cấp quan hệ song phương hai nước lên thành đối tác chiến lược.

Trong bối cảnh Mỹ cũng như các nền kinh tế lớn trên thế giới không ngừng thúc đẩy chính sách hướng tới Châu Á - Thái Bình Dương, sự kiện Đức và Australia nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược không chỉ thúc đẩy quan hệ hai nước mà còn góp phần làm cho hợp tác hai khu vực phát triển mạnh hơn nữa trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế - thương mại.

Ngoại trưởng Australia Bob Carr (trái) và người đồng cấp Guido Weterwell vừa ký tuyên bố đưa quan hệ hai nước lên tầm đối tác chiến lược.


Những năm qua quan hệ Australia - Đức đã không ngừng phát triển. Đặc biệt từ năm 2012 khi hai nước kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã thỏa thuận tiến những bước xa hơn nhằm thắt chặt quan hệ song phương. Trong chính sách đối ngoại, cả Đức và Australia đều có một điểm chung là ngày càng đặt trọng tâm phát triển quan hệ hợp tác với các nước Châu Á. Chính phủ của Thủ tướng Australia Julia Gillard từng nhấn mạnh tầm quan trọng của Châu Á với Australia thông qua Sách trắng thế kỷ Châu Á mới đây. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Guido Weterwell đã có tới 8 chuyến thăm tới các nước Châu Á từ năm 2012 đến nay.

Tuyên bố Berlin - Canberra vừa được hai bên đưa ra tại Berlin là một trong những nỗ lực lớn của Đức nhằm phát triển quan hệ đối tác chiến lược với không chỉ Australia mà với cả các quốc gia trong khu vực địa - chiến lược kinh tế cũng như chính trị này. Khi nền kinh tế Đức cũng như Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozon) đang chìm trong khủng hoảng, việc thúc đẩy phát triển kinh tế với Australia cũng như khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năng động có ý nghĩa quan trọng làm tươi mới nền kinh tế Đức tại Cựu lục địa. Ngoại trưởng Đức Guido Weterwell phát biểu sau lễ ký tuyên bố chung rằng, Australia là "chỗ dựa vững chắc và giá trị trong một khu vực năng động". Trong khi đó, Ngoại trưởng Bob Carr khẳng định, Australia và Đức là những nền kinh tế năng động của khu vực và lợi ích chung của hai nước có thể được thúc đẩy thông qua trao đổi chính sách thường xuyên giữa hai bên.

Quan hệ Australia - Đức vừa đạt bước tiến mới trong bối cảnh chính trường xứ Chuột túi đang chứng kiến nhiều đổi thay quan trọng. Trong một bước đi mới nhất nhằm củng cố sức mạnh quyền lực của Chính phủ, Thủ tướng Julia Gillard ngày 2-2 đã tiến hành cải tổ nội các. Động thái này diễn ra khi chưa đầy 8 tháng nữa Australia sẽ tiến hành một cuộc tổng tuyển cử liên bang quan trọng. Trong cuộc cải tổ khá bất ngờ này, ông Mark Dreyfus, từng giữ chức Thư ký Nghị viện về thay đổi khí hậu, được đảm nhận cương vị Bộ trưởng Tư pháp thay bà Nicola Roxon vừa từ chức. Trong khi đó, ông Chris Bowen rời chức vụ Bộ trưởng Nhập cư để thay ông Chris Evans, thủ lĩnh đảng cầm quyền tại Thượng viện, trở thành Bộ trưởng Giáo dục, kỹ năng, khoa học và nghiên cứu.

Bất chấp sức ép dư luận vì kinh tế khó khăn, Thủ tướng Julia Gillard khẳng định việc cải tổ nội các nằm trong một kế hoạch đã hình thành từ lâu chứ không phải tín hiệu cho thấy nội các do bà dẫn dắt đang lâm vào khủng hoảng. Thủ tướng Julia Gillard nhấn mạnh, đây là thời điểm thay đổi, mở đường cho những nhân vật tài năng xuất hiện trước cuộc tổng tuyển cử. Dự kiến các gương mặt mới trong nội các Australia sẽ nhậm chức vào hôm nay (4-2).

Tuyên bố cuối tuần qua của Thủ tướng Julia Gillard về tổng tuyển cử vào ngày 14-9 tới được dư luận khu vực quan tâm, nhất là khi Thủ tướng Julia Gillard đang lãnh đạo một chính phủ thiểu số ở Australia. Thông thường người dân Australia chỉ được biết lịch bầu cử trước vài tuần. Tuy nhiên, thông báo của lãnh đạo Công đảng đã khiến không ít người ngạc nhiên về một lịch trình trước đến chín tháng với một sự kiện không mang tính đột biến. Thủ tướng Julia Gillard cho rằng, thông báo sớm lịch bầu cử "không phải là để bắt đầu chiến dịch tranh cử dài nhất từ trước tới nay mà là để mọi người sắp xếp kế hoạch cho cả năm" và là thông điệp chiến dịch tranh cử tới đây là không bất ngờ, sẽ diễn ra bình thường và hợp hiến.

Một số nhà phân tích dự báo cuộc bầu cử tới sẽ không dễ dàng với Thủ tướng Julia Gillard trước phe đối lập khi nền kinh tế xứ Chuột túi chưa thực sự được cải thiện. Trong bối cảnh đó, việc cải tổ nội các cũng như thúc đẩy quan hệ đối tác với các nền kinh tế lớn như Đức tại Cựu lục địa sẽ giúp nội các của Thủ tướng Julia Gillard củng cố nội lực để vượt qua cuộc tổng tuyển cử được cho là sẽ hết sức khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển hướng đối ngoại, củng cố nội lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.