Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường năng lượng thế giới: Lật ngược “thế cờ”

Vân Khanh| 30/03/2013 07:57

(HNM) - Tuần qua, Síp, quốc đảo ở Địa Trung Hải đã trở thành tâm điểm của nền kinh tế thế giới. Từ hồi hộp, hy vọng, lo âu đến bừng tỉnh rồi thận trọng... Nicosia đã đưa ra bài kiểm tra hóc búa và lạ lẫm cho cả thế giới.

Thế nhưng, nền kinh tế số 1 thế giới lại phát đi những tín hiệu ngược với Châu Âu đang uể oải trong nợ nần. Các số liệu khẳng định sự vươn lên được chờ đợi của kinh tế Mỹ đã giúp nhiều thị trường, trong đó có các sàn giao dịch dầu mỏ lật ngược thế cờ ngay trong bão tố.

Các sàn giao dịch từ chứng khoán đến dầu thô khởi sắc nhờ niềm tin vào sự hồi phục của kinh tế Mỹ.


Trái với sự buồn thảm trên các bảng giao dịch hàng hóa từ Singapore đến New York, thỏa thuận thứ hai dẫn đến cuộc tái cơ cấu ngân hàng đầy khắc nghiệt để đổi lấy các ngân khoản khẩn cấp giữa Síp và các nhà tài trợ quốc tế hồi đầu tuần đã khiến giá dầu rung lắc mạnh. Đánh thẳng vào xương sống của nền kinh tế Síp và vẫn để ngỏ nhiều nguy cơ với quốc đảo, song, cái kết không thể khác sau các cuộc thảo luận gay cấn và chỉ khép lại vào phút chót đã cứu đảo quốc lớn thứ ba Địa Trung Hải khỏi nguy cơ tan vỡ. Ít nhất, nền tài chính toàn cầu đã được "phanh" kịp thời ngay trước giới hạn đỏ của sự náo loạn. Giá dầu vì thế được tiếp thêm sinh lực để từng bước chiến thắng đà suy giảm đã thống trị khá lâu.

Mặc dù vậy, báo cáo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong 3 tháng cuối năm 2012 đột ngột đạt ngưỡng 0,4%, vượt chỉ tiêu 0,1% được Chính phủ của Tổng thống Barack Obama đặt ra trước đó mới là điểm tựa cho sự bứt phá của dầu thô. Kết thúc tuần, giá dầu đã có phiên tăng giá liên tiếp thứ sáu và đạt ngưỡng 97,23 USD/thùng, mức cao nhất kể từ giữa tháng 2. Chỉ số tăng trưởng Mỹ vừa công bố chưa thấm vào đâu so với những gì mà cường quốc số 1 thế giới từng làm thế giới ngưỡng mộ. Nhưng, với quy mô của một nền kinh tế trị giá 15.000 tỷ USD trong năm 2012, tỷ lệ có phần khiêm tốn này xem ra không nhỏ. Ngay sau thông tin về cú vượt "kế hoạch" tăng trưởng được phát đi, thị trường hàng hóa thế giới đã lập tức phấn khích. Các nhà đầu tư toàn cầu tỏ ra mặn mà hơn với dầu thô khi tin rằng sức mạnh của nền kinh tế Mỹ đã trở lại và tất yếu sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu ở mức cao.

Lời tuyên bố đầy lạc quan của Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanky rằng nước Mỹ không bị ảnh hưởng bởi cơn nguy biến ở đảo Síp đến lúc này vẫn còn nguyên giá trị. Xét về tổng thể, so với một Châu Âu liên tục ngấp nghé bờ vực đổ vỡ, một Châu Á - Thái Bình Dương đang chững lại và lộ rõ những bất ổn về an ninh, nền kinh tế mạnh nhất hành tinh vẫn tỏ ra đáng tin cậy. Tài sản và trái phiếu Mỹ vẫn "đắt hàng" nhất thế giới trong khi nhiều con số liên quan củng cố lòng tin rằng bức tranh kinh tế Mỹ trong năm nay sẽ tươi sáng hơn. Ngoài sức tiêu dùng, yếu tố đóng góp tới 2/3 hoạt động của nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ nối dài kỳ tích trong thời gian tới, thị trường nhà đất được cho là tử huyệt của cường quốc đã hồi phục ấn tượng. Quan điểm duy trì chính sách lãi suất siêu thấp (0-0,25%) và gói kích thích thứ ba tới khi nào tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 6,5% của FED làm cho giới đầu tư an tâm về tính thanh khoản của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Và, sự chuyển động lạc quan của nền kinh tế xứ Cờ hoa như một phản ứng có điều kiện đang khiến thị trường năng lượng hào hứng trở lại với các phiên tăng giá liên tiếp.

Nhưng, khó có nhà kinh tế nào vào thời điểm này dám khẳng định "tuần trăng mật" của giá dầu sẽ kéo dài. Cuộc chiến sinh tử của Châu Âu với "quái thú" nợ công may ít rủi nhiều dự báo vẫn phủ bóng đen lên nhiều thị trường trên thế giới. Và, các sàn giao dịch dầu mỏ luôn nhạy cảm đương nhiên sẽ chịu chung số phận. Dẫu vậy, ánh sáng vừa lóe lên từ nước Mỹ rất có thể vẫn sẽ là nguồn "động viên" quan trọng cho giá dầu trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường năng lượng thế giới: Lật ngược “thế cờ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.