Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế thế giới: Phía trước vẫn đầy gian nan

Đình Hiệp| 22/04/2013 07:28

(HNM) - Dù còn khiêm tốn nhưng báo cáo mới đây của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có dấu hiệu phục hồi khi giá nhà đất ấm dần...

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới, đặc biệt là Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) vẫn chưa thoát khỏi bóng ma suy giảm và nợ nần chồng chất, làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm công ăn việc làm tiếp tục là chủ đề nóng được các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng, các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhân vật có ảnh hưởng đến từ 188 quốc gia thành viên của hai thể chế kinh tế lớn hàng đầu thế giới (IMF và WB) bàn thảo.

Kinh tế Mỹ hồi phục một phần nhờ doanh số bán ra của thị trường ô tô đang tăng mạnh.



Triển vọng kinh tế thế giới vừa được IMF công bố trước thềm hội nghị cho thấy hiện trạng bức tranh toàn cảnh nền kinh tế toàn cầu với ba mảng màu chủ đạo khác nhau. Trong khi Châu Âu vẫn chìm đắm trong khủng hoảng do nợ công lan rộng chưa có lối thoát thì nền kinh tế số một thế giới Mỹ lại có những dấu hiệu cải thiện hơn; còn các nền kinh tế mới nổi tuy có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn dưới mức tiềm năng. Nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu được cải thiện, song con đường phục hồi tại các nước phát triển vẫn còn nhiều gập ghềnh, IMF dự đoán tăng trưởng GDP của thế giới năm nay chỉ ở mức thấp 3,3% và tăng lên khoảng 4% trong năm 2014.

Nếu như các nền kinh tế phát triển mới đây còn được xem là động lực tăng trưởng toàn cầu thì nay động lực đó xem ra đang chững lại với tăng trưởng được dự báo chỉ là 1,2% trong năm 2013 và 2,2% trong năm tới, thấp hơn lần lượt 0,1% so với dự báo trước đó. Đáng chú ý kinh tế Eurozone được dự báo giảm 0,3% trong năm nay, trước khi tăng lên 1,1% vào năm 2014 vì phải đối mặt với khủng hoảng tại đảo Síp và Italia… cũng như sự bất ổn từ bên ngoài chưa thể lường hết.

Vì thế, những giải pháp vừa được giới lãnh đạo tài chính, kinh tế và ngân hàng trên thế giới đưa ra tại cuộc tập hợp lớn nhất hằng năm của IMF và WB tại Washington khiến dư luận quan tâm. Trong một tuyên bố sau cuộc họp bên lề trong khuôn khổ hội nghị, lãnh đạo của 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) khẳng định, dù kinh tế thế giới đã vượt qua các cuộc khủng hoảng lớn song vẫn tăng trưởng yếu ớt và tỷ lệ thất nghiệp vẫn khá cao. Nhiều yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn tồn tại do các chính sách không bền vững của nhiều nước, các khoản nợ công và tư nhân khổng lồ cũng như tình trạng "tái cân bằng không đầy đủ" của nhu cầu toàn cầu.

Trên tinh thần đó, các nhà lãnh đạo G20 khuyến nghị các quốc gia cần hành động nhiều hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng bền vững và cân bằng. Một trong những biện pháp mà G20 cho rằng cần ưu tiên là củng cố hệ thống tài chính và tiền tệ tại Eurozone, qua đó thúc đẩy sự cân bằng tài chính của các hệ thống ngân hàng. Không những thế, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Nhật Bản cũng phải thực hiện những bước đi nhằm mở rộng nhu cầu nội địa và nhanh chóng đưa ra các kế hoạch trung hạn "đáng tin cậy" nhằm giải quyết vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách.

Kinh tế thế giới dù đã vượt qua được thời kỳ nguy hiểm nhất như nhận định của IMF, nhưng như vậy không có nghĩa mọi thứ sẽ an toàn. Ngược lại, một loạt thách thức mới mà các nền kinh tế thế giới phải đối mặt là không hề đơn giản. Và nếu các nền kinh tế mới nổi và nhỏ hơn mất khả năng phòng vệ tài chính để xảy ra rối loạn do các gói kích thích tiền tệ bất thường và lãi suất thấp thì hậu quả sẽ là khôn lường.

Tiếp tục bơm tiền, thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ hay theo đuổi chính sách "thắt lưng buộc bụng" đang là bài toán hiểm hóc mà mỗi quốc gia phải tự tìm lời giải để vượt qua thời kỳ khó khăn hiện nay. Điều đó cho thấy, dù đã thoát hiểm nhưng lối thoát thật sự cho cuộc hồi phục của kinh tế thế giới vẫn là một con đường đầy gian nan và gập ghềnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế thế giới: Phía trước vẫn đầy gian nan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.