Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khả năng can thiệp vũ trang vào Syria: Chiến dịch đầy mạo hiểm

Thanh Hải| 29/08/2013 06:30

(HNM) - Trung Đông lại dậy sóng. Cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi khẳng định có bằng chứng

Tiếng "trống trận" lập tức được thúc giục trên nhiều bình diện, từ tuyên bố ngoại giao, kịch bản chiến tranh đến các cuộc dịch chuyển quân sự quy mô lớn... Tất cả đều cho thấy, Washington và các đồng minh đang bước vào một chiến dịch can thiệp quân sự đầy mạo hiểm nhằm vào quốc gia Trung Đông này.

Tàu sân bay USS Harry S.Truman đã được tăng cường cho khả năng can thiệp quân sự vào Syria.


Thế giới đang chứng kiến sự trở lại của kịch bản "vũ khí hủy diệt hàng loạt" (NMD) diễn ra cách đây một thập kỷ tại Iraq. Trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tuyên bố (ngày 27-8) rằng, quân đội xứ Cờ hoa sẵn sàng hành động tức thì nếu Tổng thống Barack Obama ra lệnh thì các quốc gia như Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ... đều có những cuộc dịch chuyển quân sự quy mô lớn cả trên bộ lẫn trên biển.

Theo nhiều nguồn tin, căn cứ quân sự Akrotiri của Anh ở đảo Síp đã nhộn nhịp hơn với các hoạt động của các máy bay vận tải quân sự Hercules. Thậm chí, nhiều "nhóm máy bay chiến đấu" được thông báo là "đã cất cánh từ Châu Âu". Trong khi đó, hải quân Mỹ tiếp tục tăng số tàu khu trục mang tên lửa hành trình tại Địa Trung Hải từ ba lên bốn tàu bằng việc trì hoãn đưa tàu khu trục lớp Arleigh Burke, USS Mahan trở về Mỹ. Tàu sân bay USS Harry S.Truman, tàu chiến mạnh nhất trong khu vực cũng đã rời Địa Trung Hải và đi qua kênh đào Suez vào Biển Đỏ. Theo các chuyên gia, tàu này có thể tấn công Syria từ phía Nam Suez. Ngoài các máy bay tấn công trên tàu Truman, các tàu hộ tống cũng có khả năng bắn tên lửa hành trình Tomahawk. Một quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ, Washington có thể mở cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Syria "sớm nhất là vào ngày 29-8" và "3 ngày" tấn công sẽ giới hạn về phạm vi và nhằm gửi một thông điệp đến chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trước đó, lãnh đạo quân đội 10 nước phương Tây đã từ chối đặt thời điểm khai hỏa cho các cuộc tấn công nhưng đều nhất trí chuẩn bị hành động quân sự ngay trong tuần này. Dự kiến, cùng với cuộc tấn công bằng tên lửa, các bên còn cân nhắc một chiến dịch nhằm vô hiệu hóa không quân Syria và thiết lập vùng cấm bay. Còn Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng có chung đường biên giới (dài 910km) với Syria tuyên bố, sẽ gia nhập liên minh quốc tế nếu nó được thiết lập để chống lại chính quyền Syria ngay cả khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc không đạt được sự đồng thuận trong vấn đề này...

Hiện tại, giới quan sát cho rằng, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad khó tránh khỏi một cuộc tấn công quân sự. Nhưng, dư luận cũng đang đặt câu hỏi về động cơ thực sự của lực lượng đứng sau vở kịch "NMD phiên bản Syria". Thực tế, hơn 2 năm lún sâu vào khủng hoảng chính trị, đến nay, quân chính phủ đã và đang giành được những chiến thắng quan trọng. Bất chấp được các thế lực bên ngoài hậu thuẫn, chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad không chỉ trụ vững mà còn giành được thế thượng phong trên hầu hết các chiến trường. Do vậy, hoàn toàn có lý do để nghi ngờ rằng quân chống đối Syria đã cố tạo ra thảm kịch nhân đạo ngày 21-8 (khiến hơn 350 người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em) để thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế; đồng thời gia tăng sức ép lên chính quyền Damascus.

Tuy nhiên, Syria được cho là không phải là mục tiêu "hấp dẫn" như Iraq hay Libya và cũng không phải là một mục tiêu dễ bị hạ gục trong chớp nhoáng. Can thiệp quân sự vào quốc gia Trung Đông này có thể sẽ buộc Mỹ và đồng minh phải đối đầu trực tiếp với Iran và các lực lượng thuộc "trục kháng cự".

Một cuộc chiến nữa bùng nổ tại Trung Đông sẽ không chỉ gây biến động lớn trong khu vực, cuốn theo các nước láng giềng như Lebanon, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, mà còn có thể gây tác động toàn cầu. Và, không có gì bảo đảm rằng, sau khi giành chiến thắng ban đầu bằng sức mạnh quân sự, chính quyền thân phương Tây được dựng lên ở Syria có khả năng trụ vững và kiểm soát tốt đất nước. Bài học nhãn tiền từ Ai Cập, Libya hay Iraq và Afghanistan vẫn còn nguyên giá trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khả năng can thiệp vũ trang vào Syria: Chiến dịch đầy mạo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.