Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ vọng giải pháp hòa bình trên chính trường Thái Lan

Đình Hiệp| 18/04/2014 06:15

(HNM) - Tạm gác lại những bộn bề lo toan do cuộc khủng hoảng chính trị chưa có lối thoát kéo dài nhiều tháng qua, hơn 65 triệu người dân đất nước Chùa Vàng đã trải qua những ngày Tết cổ truyền Songkran (Tết té nước) trong không khí hòa bình, phấn khởi.


Nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra về quê ở Chiang Mai cùng gia đình đón một năm mới với hy vọng tình hình đất nước sẽ sớm ổn định trở lại...

Lực lượng “áo đỏ” tuyên bố sẽ tiếp tục xuống đường để ủng hộ Chính phủ tạm quyền.



Thế nhưng, xem ra mong muốn của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra cũng như phần lớn người dân Thái Lan khó trở thành hiện thực trong năm mới. Bởi, cả Mặt trận Dân chủ thống nhất chống độc tài (UDD) - phe "áo đỏ" ủng hộ Chính phủ lẫn thủ lĩnh biểu tình chống Chính phủ Suthep Thaugsuban đều tuyên bố sẽ tiếp tục xuống đường ngay sau Tết cổ truyền Songkran. Thủ lĩnh biểu tình chống Chính phủ Suthep Thaugsuban một lần nữa lên tiếng khẳng định quyết tâm lật đổ chính phủ tạm quyền bằng mọi giá. Trong khi đó, lực lượng "áo đỏ" do UDD cầm đầu cũng cho biết sẽ đưa những người ủng hộ Chính phủ vào nội đô Bangkok một ngày trước khi tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết về số phận chính trị của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck. Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra vào cuối tháng 4 này.

Như vậy, gần một tháng đã trôi qua kể từ khi Tòa án Hiến pháp Thái Lan (ngày 21-3), ra phán quyết hủy kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 2-2 - một động thái làm trì hoãn việc thành lập Chính phủ mới. Sau nhiều tháng xảy ra biểu tình trên đường phố - tới thời điểm này, Chính phủ tạm quyền Thái Lan vẫn chưa thể ấn định được thời gian tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mới. Trong một thông báo mới nhất vừa được Chủ tịch Ủy ban bầu cử Thái Lan (EC) Somchai Srisutthiyakorn đưa ra thì nước này có thể sẽ tổ chức tổng tuyển cử mới vào ngày 20-7 hoặc 27-7 tới. Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử có diễn ra hay không còn phụ thuộc vào cuộc họp của EC với 70 đảng phái chính trị dự kiến diễn ra vào ngày 22-4 để lấy ý kiến. Nhằm tránh lặp lại "kịch bản" không mong muốn như đã xảy ra sau cuộc tổng tuyển cử bị đổ vỡ ngày 2-2 vừa qua, EC cho biết sẽ tăng cường các biện pháp để việc đăng ký tranh cử của các ứng cử viên diễn ra suôn sẻ.

Chính phủ tạm quyền của nữ Thủ tướng Yingluck đang ở vào thời điểm hết sức khó khăn. Cả lực lượng ủng hộ và chống đối Chính phủ đều không ngừng đe dọa mở các cuộc biểu tình đường phố, trong khi số phận chính trị của nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck vẫn chưa rõ ràng trước cáo buộc của Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) về việc bà thiếu trách nhiệm trong chương trình trợ giá gạo của Chính phủ. Tòa án Hiến pháp Thái Lan cũng đang thụ lý đơn kiện của một nhóm nghị sĩ đối lập cáo buộc Thủ tướng Yingluck vi hiến khi ra quyết định thuyên chuyển ông Thawil Pliensri - người ủng hộ phe đối lập chống chính phủ hiện nay khỏi vị trí Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) năm 2011. Với một bối cảnh như vậy, cuộc tổng tuyển cử mới có thể hóa giải những bất đồng trong cuộc đua quyền lực giữa các đảng phái hiện nay ở Thái Lan hay không là điều dư luận hết sức quan tâm.

Với mong muốn kiếm tìm một giải pháp hòa bình cho chính trường Thái Lan, ông Noppadon Pattama - cố vấn pháp luật của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawtra mới đây đã đưa ra giải pháp "Năm điểm chủ chốt" thu hút sự chú ý của dư luận Thái Lan. Theo ông Pattama, cuộc bầu cử mới trước hết phải được thúc đẩy để người dân tự quyết định tương lai của mình, chứ không vì bất cứ lợi ích của nhóm chính trị nào. Sau bầu cử, Quốc hội sẽ ban hành điều luật cho phép thành lập Hội đồng cải cách. Theo đó, các thành viên của Hội đồng được lựa chọn từ nhiều giai tầng và ngành nghề trong xã hội. Chính phủ thành lập sau bầu cử cũng chỉ cầm quyền sáu tháng đến một năm để thực hiện tiến trình cải cách trên một số phương diện quan trọng. Sau đó, chính phủ này tuyên bố giải tán Hạ viện và tổ chức một cuộc bầu cử mới. Nếu việc sửa đổi Hiến pháp phải bắt buộc thực hiện theo những điều khoản quy định thì phải tiến hành trưng cầu dân ý để công chúng quyết định.

Giải pháp "Năm điểm chủ chốt" của ông Noppadon Pattama đưa ra khá cụ thể và có vẻ phù hợp với tình hình trên chính trường Thái Lan hiện nay. Thế nhưng, thực hiện những giải pháp này không đơn giản khi mâu thuẫn lợi ích của các đảng phái ở Thái Lan chưa được hóa giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ vọng giải pháp hòa bình trên chính trường Thái Lan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.