Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trung Quốc đang gây căng thẳng, làm phương hại lòng tin trong khu vực

Kim Phượng| 13/05/2014 07:00

Cộng đồng quốc tế tiếp tục phản đối hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 (Hải Dương - 981) tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.


* Ngày 12-5, Nhật Bản đã bày tỏ ủng hộ lời kêu gọi của các nhà lãnh đạo Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thực hiện kiềm chế và giảm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trái phép trong vùng biển Việt Nam. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói tại một cuộc họp báo: "Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ không thực hiện những hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng và hành động kiềm chế phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan". Theo ông Y.Suga, Nhật Bản "quan ngại sâu sắc" trước tình hình căng thẳng leo thang trong khu vực do "hành động khoan dầu đơn phương của Trung Quốc".

Người Việt tại CHLB Đức tuần hành phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Mạnh Thanh



* Ngày 11-5, trả lời báo chí Singapore, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định: ASEAN "cần phải có quan điểm về tình hình hiện nay ở Biển Đông vì an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại vùng biển này". Theo truyền thông Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long hoan nghênh Tuyên bố chung ngày 10-5 của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về tình hình nghiêm trọng hiện nay ở Biển Đông. Về phản ứng của Trung Quốc, đưa ra sau tuyên bố nói trên của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, rằng vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, Thủ tướng Lý Hiển Long nói rằng đó luôn là quan điểm của Trung Quốc vì Trung Quốc coi các vụ xung đột trên Biển Đông là vấn đề song phương giữa Trung Quốc và các nước liên quan. Tuy nhiên, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng ASEAN cần phải thể hiện quan điểm chung về các vụ xung đột ở Biển Đông vì các vụ việc này "xảy ra ngay tại cửa ngõ của chúng ta, chúng ta phải có quan điểm vì an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại Biển Đông". Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh "đó cũng là lý do vì sao các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thông qua tuyên bố và đó cũng là quan điểm nhất quán, lâu dài mà Singapore vẫn thường thể hiện". Trả lời câu hỏi của phóng viên, rằng liệu Trung Quốc có muốn ký kết bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các phiên thảo luận đã kéo dài ba năm qua hay không, Thủ tướng Lý Hiển Long nói: "Trung Quốc đã đồng ý bắt đầu thảo luận về bộ quy tắc và đó là bước đi đầu tiên".

*Liên quan đến căng thẳng hiện nay trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc, Chính phủ Anh cho biết nước này ủng hộ tuyên bố của Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra ngày 8-5 và đã nêu vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc ở cấp bộ trưởng. Trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Anh (FCO), Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Hugo Swire khẳng định: "Việc Trung Quốc đặt giàn khoan ở vùng biển của Việt Nam đã khiến căng thẳng leo thang trên Biển Đông. Anh ủng hộ tuyên bố của EU đưa ra ngày 8-5 và đã nêu vấn đề này với Chính phủ Trung Quốc ở cấp bộ trưởng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tìm cách hạn chế căng thẳng leo thang".

*Tại Đức, nhiều tờ báo lớn của nước này đã đăng tin bày tỏ phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc. Tiến sĩ Gerhard Will, một chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và chính trị Đức (SWP), đã cực lực phê phán hành động này của Bắc Kinh. Theo Tiến sĩ G.Will, việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam không chỉ khiến Việt Nam, mà nhiều nước khác cũng đặc biệt quan ngại: "Hành động này là một sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên Biển Đông cũng như việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được ASEAN và Trung Quốc ký kết". Tiến sĩ G.Will cho rằng hành động nêu trên của Trung Quốc là nhằm đòi yêu sách về lãnh thổ mà trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã thông qua các hành động như chiếm đảo, tăng cường quân sự... để thể hiện và thực thi chính sách vũ lực của họ. Chuyên gia Đức cũng cho rằng việc Trung Quốc đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam rõ ràng vi phạm các quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như DOC. Tiến sĩ G.Will cho rằng hành động của Trung Quốc không nhằm thăm dò hay khai thác dầu mà chủ yếu để thực hiện yêu sách tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này. Hành động hiếu chiến của Trung Quốc không có lợi cho quan hệ kinh tế và chính trị với các nước láng giềng phía Nam, đồng thời gây tổn hại nghiêm trọng cho mối bang giao giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tiến sĩ G.Will cũng nhấn mạnh rằng để căng thẳng tiếp tục leo thang không phải là điều mong muốn của các nước Đông Nam Á cũng như lợi ích lâu dài của Trung Quốc và điều cần làm lúc này là phản ứng thận trọng trước sự khiêu khích của Trung Quốc - điều theo ông không hề dễ dàng với đại đa số người Việt.

*Tướng Daniel Schaeffer - nguyên Tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một nhà nghiên cứu có uy tín về Biển Đông - nhận định rằng: Bằng hành động đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc đã vượt quá các quyền hạn của mình và vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Tướng Daniel Schaeffer cho rằng hành động của Trung Quốc là bước đi mới trong tổng thể các hành động hòng độc chiếm Biển Đông bằng cái gọi là "đường chín đoạn" mà Trung Quốc đã đưa ra trước đó.

*Ông Anton Svetov, chuyên viên Hội đồng Đối ngoại Nga, cho rằng việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt là hành động được lên kế hoạch bài bản. Theo ông A.Svetov, các vụ gây hấn tương tự của Trung Quốc đã từng xảy ra nhiều lần trong quá khứ, song lần này đi xa hơn và nguy hiểm hơn. Việc Trung Quốc huy động một đội tàu hùng hậu để hộ tống giàn khoan đã nói lên tất cả. Trong khi đó, ông Vladimir Kolotov, Trưởng bộ môn lịch sử các nước phương Đông thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg (Nga), nhấn mạnh sự bành trướng của Trung Quốc ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang gây căng thẳng, làm phương hại lòng tin trong khu vực. Chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phương Đông (Nga) Dmitry Mosyakov cũng khẳng định hành động của Trung Quốc là hết sức nguy hiểm, không chỉ gây căng thẳng trong khu vực, mà còn phá vỡ các nỗ lực và kế hoạch nhằm xây dựng mối quan hệ hợp tác hữu nghị Trung - Việt nói riêng và giữa Trung Quốc với các nước khác nói chung.

*Trước việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, cộng đồng người Việt Nam tại nhiều nước như Đức, CH Czech, Italia, Australia, Campuchia trong đó có cả người dân nước sở tại đã đồng loạt tuần hành, mít tinh, ra tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc.

*Chiều 11-5, khoảng 5.000 người Việt Nam đang sinh sống, làm việc và học tập ở mọi miền nước Đức đã tập trung tại khu vực Quảng trường Potsdam (Potsdamer Platz) ở trung tâm thủ đô Berlin để bày tỏ tình đoàn kết, hướng về Việt Nam và phản đối hành động của Trung Quốc. Ông Lê Hồng Cường, một trong những người tổ chức tuần hành, khẳng định dân tộc Việt Nam luôn mong muốn hòa bình, không muốn chiến tranh cũng như không muốn phá vỡ tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt - Trung, nhưng khi chủ quyền và độc lập dân tộc bị đe dọa, nhân dân Việt Nam dù ở bất cứ đâu cũng sẽ kiên quyết bảo vệ đất nước. Cùng tham gia tuần hành, ông Siegfried Sommer, Chủ tịch Hội Đức - Việt, cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, gây bất ổn cho an ninh khu vực và quốc tế. Trước đó, hàng trăm người Việt tại thành phố Frankfurt/Main và vùng phụ cận cũng tuần hành hòa bình, phản đối hành động của Trung Quốc trước cổng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Frankfurt. Đoàn người mang theo biểu ngữ sau đó kéo tới Nhà ga Chính ở Frankfurt.

Cùng ngày, hơn 2.000 người Việt đang sinh sống, làm ăn và học tập tại CH Czech đã tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Praha để phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhiều người đủ mọi lứa tuổi, đội mũ đỏ, áo đỏ in hình sao vàng, giương cao biểu ngữ bằng tiếng Việt, tiếng Czech và tiếng Anh phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, hô vang các khẩu hiệu: "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", "Trung Quốc rút khỏi Biển Đông", "Trung Quốc đưa ngay giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam"…

Ông Marsel Winter, Chủ tịch Hội Hữu nghị Czech - Việt, cho biết: "Tôi tham gia phản đối Trung Quốc với tư cách là công dân Czech và là Chủ tịch Hội Hữu nghị Czech - Việt. Tôi rất bất bình trước hành động vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc". Các phương tiện truyền thông của CH Czech, trong đó có kênh truyền hình CT 1 và CT 24, đã phát nhiều lần phóng sự về hoạt động của cộng đồng người Việt phản đối Trung Quốc.

*Ngày 11-5, Hội Du học sinh Việt Nam tại thành phố Melbourne đã ra tuyên bố phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Tuyên bố kêu gọi Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các lực lượng ra khỏi khu vực vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chấm dứt các hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đồng thời phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra. Hội kêu gọi bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình và công lý ủng hộ nhân dân Việt Nam, cùng lên tiếng phản đối hành động gây hấn và khiêu khích của Trung Quốc tại Biển Đông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc đang gây căng thẳng, làm phương hại lòng tin trong khu vực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.