Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bước lùi trên thị trường vốn quốc tế

Thùy Dương| 01/08/2014 06:22

(HNM) - Nền kinh tế lớn thứ ba Nam Mỹ vừa vấp phải trở ngại, có thể xem như là một bước lùi của Buenos Aires trong nỗ lực trở lại thị trường vốn quốc tế. Nguyên do là ngày 30-7 vừa qua, đàm phán giữa Chính phủ Argentina với các quỹ đầu tư Mỹ về nợ đã không đạt được thỏa thuận.


Theo Bloomberg, Argentina đã thất bại trong việc thanh toán khoản nợ nói trên sau khi một tòa án Mỹ ra phán quyết Argentina phải chi trả toàn bộ 1,3 tỷ USD tiền nợ cho NML Capital và Aurelius Capital Management - hai quỹ đầu tư không tham gia chương trình tái cơ cấu. Phát biểu sau đàm phán, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axcell Kiciloff chỉ trích các quỹ đầu tư Mỹ "tham lam một cách phi lý" và không chịu thỏa hiệp. Theo ông, Argentina đã đề nghị mức lãi lên tới 300% song các quỹ đầu tư Mỹ không chấp nhận. Các quỹ đầu tư này muốn Argentina phải trả nhiều hơn và thanh toán ngay.

Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axcell Kiciloff phát biểu với giới truyền thông sau khi cuộc đàm phán về nợ thất bại (tại New York, Mỹ).



Thực tế, 92,4% số chủ nợ đã đồng ý tham gia chương trình tái cơ cấu của Argentina, theo đó chấp nhận mất 70% giá trị số trái phiếu họ đang giữ để được Chính phủ Argentina thanh toán phần còn lại. Tuy nhiên, phán quyết của tòa án Mỹ đã đẩy Buenos Aires rơi vào bế tắc khi phong tỏa hoạt động thanh toán của Argentina cho các chủ nợ tham gia tái cơ cấu cho đến khi đồng ý trả nợ cho hai quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius Capital Management của Mỹ không tham gia tái cơ cấu. Argentina lo ngại việc thanh toán 1,3 tỷ USD cho hai quỹ đầu tư này sẽ châm ngòi cho 7,6% số chủ nợ không tham gia chương trình tái cơ cấu đồng loạt đòi nợ. Nếu phải thực thi theo yêu cầu trên, Argentina sẽ mất tới 15 tỷ USD chiếm hơn một nửa trong kho dự trữ ngoại tệ khoảng 29 tỷ USD của nước này.

Dễ dàng nhận thấy đợt vỡ nợ thứ 2 kể từ năm 2001 sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề mà kinh tế Argentina đang đối mặt. Ngay trước khi đàm phán thất bại, Hãng đánh giá tín nhiệm Standard and Poor (S&P) của Mỹ đã xếp Argentina vào diện "vỡ nợ một phần". Trang web Abeceb.com dự báo vỡ nợ sẽ khiến cho kinh tế nước này tăng trưởng -3,5% (âm), lạm phát lên mức 41% và chỉ số tiêu dùng sẽ giảm 3,8% vào cuối năm. Nhà phân tích kinh tế của IHS Country Risk Carlos Caicedo cho rằng một cú vỡ nợ nữa có thể phá giá đồng peso, hiện đã mất giá 20% kể từ tháng 1, điều này sẽ châm ngòi cho lạm phát và giá cả tăng mạnh. Tuyên bố vỡ nợ đồng nghĩa với việc Argentina sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thị trường vốn quốc tế, cản trở sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp. Nỗ lực vực dậy nền kinh tế và trở lại chặng đua với cộng đồng tài chính quốc tế sẽ hoàn toàn tan biến nếu kết cục vỡ nợ xảy ra. Việc Chính phủ tuyên bố vỡ nợ cũng sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền với các chính quyền địa phương, vốn đang phải vay mượn rất nhiều để giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách. Nhưng tình hình sẽ vẫn bi đát nếu Argentina không vỡ nợ. Argentina lo sợ rằng, nếu họ hoàn trả hết nợ cho chủ nợ lần này sẽ gây "hiệu ứng" khó lường khi các chủ nợ khác nhất loạt đòi nợ. Theo tin từ Business Insider - Hội nghị quốc tế về thương mại và phát triển, nếu Argentina hoàn trả hết các món nợ lần này, họ sẽ tiếp tục phải đối mặt với món nợ 135 tỷ USD, trong khi toàn bộ số tiền dự trữ của quốc gia này chỉ còn khoảng 30 tỷ USD.

Một bầu không khí u ám đang bao trùm lên thủ đô Buenos Aires khi người dân cảm thấy lo lắng trước viễn cảnh kinh tế của đất nước. Ông Matias Tambolini, chuyên gia kinh tế cho rằng: "Khi USD tăng giá, các doanh nghiệp tại Argentina sẽ khó mà mở rộng làm ăn do giá cả mọi thứ tăng cao. Trong khi đó, chỉ số lạm phát đã tăng 12% kể từ đầu năm đến nay. Mặc dù vậy, khả năng Argentina phải đối mặt với tình trạng biểu tình bạo loạn như năm 2001 là rất khó xảy ra, nhưng nếu ngày mai đất nước này vỡ nợ, đây vẫn sẽ là một cơn bão kinh tế có sức tàn phá cao đối với người dân".

Tuy nhiên, bất chấp các dự báo trên, Chính phủ Argentina đã bác bỏ những dự đoán bi quan về việc kinh tế sẽ sụp đổ sau vỡ nợ. Chánh Văn phòng Tổng thống Jorge Capitanich cho biết thặng dư thương mại của Argentina và các thỏa thuận đầu tư mới đây giữa nước này với Trung Quốc sẽ bảo đảm nguồn tiền mặt cho Argentina kể cả khi nước này vỡ nợ toàn bộ. Nhiều nhà kinh tế cũng đồng ý rằng hậu quả của đợt vỡ nợ toàn bộ lần này nếu xảy ra sẽ nhỏ hơn so với đợt vỡ nợ năm 2001 vì tiềm lực kinh tế của Buenos Aires hiện nay khá hơn so với cách đây 13 năm. Chưa rõ, Argentina có "rơi xuống vực thẳm" không nếu bị vỡ nợ; nhưng có một điều chắc chắn sự kiện vừa diễn ra sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn của nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bước lùi trên thị trường vốn quốc tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.