Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá dầu và cuộc so găng quyền lực

Vân Khanh| 01/03/2015 05:46

(HNM) - Trong phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu tăng khá ngoạn mục với 1,59 USD/thùng nhưng vẫn chỉ ở mức 49,76 USD/thùng.


Với việc mất tới hơn 50% giá trị chỉ trong vòng nửa năm cuối 2014, giá dầu đã tạo nên một cú sốc ngoài dự đoán của cả thế giới. Khi nền kinh tế toàn cầu đã vượt qua những giai đoạn hiểm nghèo nhất, khó có thể tưởng tượng được rằng "vàng đen" lại có thể mất giá thê thảm đến như vậy. Dù đã cố gắng đón đợi các tin tức kinh tế tốt đẹp nhưng những phiên đảo chiều của dầu thô chưa nói lên điều gì. Không ai biết trước được mỗi thùng dầu vốn mang trong mình một thứ quyền năng ghê gớm sẽ xuống thấp đến mức nào và trong bao lâu. Đặc biệt khi nguyên nhân của đợt điều chỉnh này được giải mã bằng những mục tiêu chính trị.

Các giếng dầu tại Saudi Arabia vẫn hoạt động ngày đêm bất chấp giá dầu giảm mạnh.


Nga và Iran là hai "đối tượng" bị thương tổn nặng nề nhất từ sự tụt dốc của dầu thô nên những đồn đoán tập trung vào Mỹ, cường quốc số một thế giới và cũng là quốc gia vừa ghi tên vào danh sách những nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu bởi thành công từ công nghệ dầu đá phiến. Tuy nhiên, kể cả khi điều này là sự thật cũng không thể không nhắc tới một "nhân tố" cực kỳ quan trọng trong "màn kịch" này, đó là Saudi Arabia. Với vị trí là "người anh cả" của Tổ chức Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), không ai khác, chính Riyadh là "kiến trúc sư" của quyết định không cắt giảm sản lượng mà tổ chức này đưa ra trong cuộc họp vào cuối tháng 11 năm ngoái. Kể từ thời điểm đó, dầu thô lao dốc không phanh khi thị trường chính thức nhận được tín hiệu rõ ràng rằng, OPEC sẽ để mặc cho dầu rớt giá. Ở khía cạnh chính trị, có thể xem đây là một sự phối hợp ăn ý giữa hai đồng minh lâu năm Mỹ và Saudi Arabia. Nếu như sự kiện này là một kế hoạch chiến lược hoàn hảo của Washington nhằm giành lợi thế trong cuộc đối đầu với Nga và đàm phán hạt nhân với Iran thì Riyadh đã đóng vai một đối tác xuất sắc. Một chuyện rõ như ban ngày là chừng nào OPEC dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Saudi Arabia không ngừng giảm nguồn cung cho thị trường thì chừng đó giá dầu chưa thể lội ngược dòng. Hoàng tộc nhà Saud không thể hy sinh nhiều tiền bạc như vậy nếu họ không đạt được lợi ích gì.

Theo nhiều nguồn thông tin, số lượng giàn khoan còn hoạt động tại Mỹ tiếp tục giảm thêm 37 giàn, chỉ còn 1.019 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 7-2011. Như vậy, Saudi Arabia đã thắng trong mục tiêu giữ thị phần của OPEC. Quốc gia giàu có Vùng Vịnh biết rõ rằng, khi Riyadh còn kiểm soát được thị trường dầu mỏ - từng đưa nước này lên một vị thế chiến lược tại khu vực thì tiếng nói của Saudi Arabia vẫn còn được nể trọng trên trường quốc tế. Một lý do nữa, trong bối cảnh chính trị cực kỳ phức tạp tại Trung Đông, việc "mượn" dầu mỏ để duy trì lợi thế trong cuộc đọ sức quyền lực ở khu vực là một cái giá "chấp nhận được".

Là quốc gia theo dòng Hồi giáo Sunni, lịch sử đã buộc Saudi Arabia và đại diện của dòng Shiite là Iran luôn trong trạng thái đối đầu. Thế nên, Riyadh từng được nhắc tới như một nhà tài trợ cho lực lượng đối lập tại Syria nhằm hạ bệ Tổng thống theo dòng Alawite (một nhánh của Shiite) Bashar Al-Assad. Ngược lại, Tehran lại là một đồng minh nhiệt thành, sẵn sàng mọi hỗ trợ để Damascus có thể trụ vững. Ảnh hưởng đang có chiều hướng mở rộng của Iran thông qua một chính phủ Shiite ở Iraq và cuộc đàm phán hạt nhân đang tiến triển với Mỹ và phương Tây khiến Saudi Arabia phải "dè chừng". Trong khi đó, nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin không liên quan đến sự đối nghịch tôn giáo, nhưng lại ủng hộ đến cùng chế độ Bashar Al-Assad vì không muốn mất đi đối tác quan trọng và cuối cùng ở Trung Đông hiện vẫn cho Nga một căn cứ hải quân tại cảng Tartus "trấn yểm" Địa Trung Hải. Vì thế, việc đánh tụt giá dầu với mục đích làm suy yếu cả Iran và Nga nhằm bảo vệ các lợi ích chiến lược của Riyadh trong khi nước này vẫn rủng rỉnh ngồi trên khối tài sản dự trữ lên tới gần 800 tỷ USD là một toan tính "vẹn cả đôi đường".

Trong điều kiện nền kinh tế thế giới chưa đủ mạnh để có khả năng đẩy nhu cầu tiêu thụ lên cao, quyết định không can thiệp thị trường của OPEC chắc chắn sẽ khiến nguồn cung càng ngày càng dư thừa. Giá dầu chắc chắn còn duy trì ở mức thấp trong thời gian tương đối dài đủ để các bên liên quan trong cuộc so găng trên vũ đài chính trị quốc tế tìm được một giải pháp. Tuy nhiên, dù thế nào thì tới lúc đó giá dầu sẽ thiết lập một mặt bằng mới có lợi cho những "ông lớn".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá dầu và cuộc so găng quyền lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.