Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Đầu tàu” nhận đòn chí mạng

Phương Quỳnh| 06/05/2015 06:38

(HNM) - Sau nhiều cuộc đàm phán bất thành giữa đại diện Công ty Đường sắt quốc gia Đức và phía công đoàn, từ 20h ngày 4-5 (giờ Việt Nam), các lái tàu hỏa chở hàng và chở khách thuộc Công ty Đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn đã bước vào cuộc đình công kéo dài tới 7 ngày.

Tuần lễ đình công trong ngành đường sắt dự báo gây thiệt hại cho nền kinh tế Đức khoảng 500 triệu euro.



Những yêu cầu phía GDL đặt ra cho Công ty Đường sắt quốc gia Đức Deutsche Bahn là tăng 5% lương, đồng thời giảm 1 giờ làm mỗi tuần cho các lái tàu. Ngoài ra, GDL cũng yêu cầu được đại diện quyền lợi cho khoảng 17.000 nhân viên đường sắt thay vì chỉ đại diện cho 20.000 lái tàu như hiện nay. Trong cuộc đàm phán gần nhất, GDL đã bác bỏ đề xuất tăng 4,7% lương theo 2 giai đoạn kể từ ngày 30-6. Theo đánh giá của Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK), cuộc đình công dài 7 ngày sẽ gần như làm tê liệt hệ thống tàu chở hàng ở Đức, có thể gây đình đốn sản xuất, khiến nền kinh tế đầu tàu Châu Âu thiệt hại khoảng 500 triệu euro. Trong đó, riêng Deutsche Bahn thiệt hại khoảng 3 triệu euro/ngày. Các thống kê gần đây cho thấy, ngoài phục vụ khoảng 5,5 triệu lượt khách/ ngày, Deutsche Bahn còn vận chuyển tới 1/5 khối lượng hàng hóa (tương đương trên 600.000 tấn/ngày) ở Đức. Những lĩnh vực chịu tổn thất nặng nhất do cuộc đình công được dự báo là ngành công nghiệp thép, hóa học và ô tô.

Nhiều năm qua, ngành công nghiệp thép là khách hàng thương mại lớn nhất của Deutsche Bahn, với khối lượng hàng hóa khoảng 200.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, do đình công không báo trước nên các ông chủ ngành thép đã không kịp chuẩn bị các phương án vận chuyển thay thế. Hiệp hội Chế tạo máy của Đức (VDMA) cũng cảnh báo cuộc đình công sẽ gây khó khăn, làm đình đốn dây chuyền sản xuất và chế tạo. Do đường sắt là loại hình vận tải quan trọng ở Đức, nên cuộc đình công dài ngày lập tức đón nhận những phản ứng gay gắt trong dư luận cũng như chính giới nước này. Ngày 5-5, Thủ tướng Angela Merkel đã lên tiếng kêu gọi giới chủ Deutsche Bahn và GDL sớm tìm ra giải pháp để chấm dứt tình trạng đình công, được xem như "liều thuốc độc" cho nền kinh tế Đức. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo Đức lên tiếng về vụ việc kể từ khi nảy sinh những bất đồng giữa Deutsche Bahn và GDL hồi năm ngoái. Mới đây, Chính phủ Đức dự kiến nâng dự báo tăng trưởng năm 2015 từ mức 1,3% lên khoảng 1,5% nhờ những chỉ số tích cực trong những tháng đầu năm. Thế nhưng, cuộc đình công có thể cản trở tham vọng tăng trưởng của đầu tàu kinh tế Cựu lục địa. Các nhà kinh tế thuộc Ngân hàng Unicredit ước tính, cuộc đình công này có thể gây thiệt hại khoảng 0,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức trong quý II-2015.

Hiện tại, chưa có giải pháp nào được cho là khả quan nhằm chấm dứt "cuộc chiến" giữa Deutsche Bahn và GDL. Cho đến thời điểm này, Trưởng đoàn GDL Claus Weselsky vẫn từ chối mọi cuộc gọi từ Deutsche Bahn cũng như các chính trị gia Đức nhằm giải quyết bất đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu các nhà lãnh đạo Deutsche Bahn và GDL vẫn tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn như hiện nay và tiếp tục viết lại câu chuyện ngụ ngôn "hai con dê qua cầu", không loại trừ khả năng sẽ có thêm cuộc đình công lịch sử mới của ngành đường sắt Đức xảy ra trong thời gian tới. Điều này không chỉ đánh dấu lịch sử mâu thuẫn lao động dài nhất trong 20 năm hình thành Công ty Deutsche Bahn mà còn có thể tạo "động cơ" cho các lực lượng lao động ở những ngành nghề khác của nước Đức đòi thêm quyền lợi từ giới chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Đầu tàu” nhận đòn chí mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.