Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lãnh đạo Eurozone "đau đầu"

Phương Chi| 07/07/2015 06:17

(HNM) - Đúng như dự đoán, kết quả kiểm phiếu chính thức cuộc trưng cầu ý dân tại Hy Lạp được công bố ngày 6-7 cho thấy, với 100% số phiếu được kiểm, 61,31% cử tri xứ sở Thần thoại đã từ chối kế hoạch cải cách và chi tiêu khắc khổ, do bộ ba chủ nợ quốc tế gồm Liên minh Châu Âu (EU),

61,31% người dân Hy Lạp nói không trong cuộc trưng cầu dân ý.



Vô cùng dễ hiểu tại sao đa số cử tri Hy Lạp nói "không" với chính sách "thắt lưng buộc bụng" và sẵn sàng ra khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), bất chấp "ngôi nhà chung" với 18 thành viên này đang là niềm mơ ước của nhiều quốc gia khác. Không thể phủ nhận, chính sách chi tiêu "quá tay" của Athens những năm trước là nguyên nhân chính khiến Xứ sở các vị thần trở thành "chúa chổm" và buộc phải kêu gọi sự trợ giúp từ nhóm chủ nợ để tồn tại và dĩ nhiên, để có được các gói cứu trợ là những điều kiện vô cùng ngặt nghèo. Thế nhưng, người dân mới là đối tượng phải hứng chịu hậu quả lớn nhất do những sai lầm của chính phủ trước đây.

Theo một số liệu được công bố cách đây ít ngày, hiện tại, gần 1/3 người Hy Lạp đang sống dưới ngưỡng nghèo khổ. Kinh tế rơi vào tình trạng khốn đốn, người dân liên tục phải sống trong cảnh thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men. Du lịch vốn là ngành kinh tế quan trọng của quốc gia này cũng lao đao. Trẻ em chính là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất do chính sách chi tiêu khắc khổ. Trong khi đó, con số thất nghiệp tại nước này đã lên tới 25,6%, mức cao nhất trong nhóm các nước phát triển. Vì vậy, ngay sau khi kết quả được công bố, hàng nghìn người dân thủ đô Athens đã tập trung tại Quảng trường Syntagma ở trung tâm thành phố để ăn mừng, bất chấp những cảnh báo rằng việc không đạt được thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế có thể khiến Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone. Ngay khi người dân Hy Lạp định đoạt tương lai của đất nước bằng những lá phiếu, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã kêu gọi thành lập một "mặt trận dân tộc vững mạnh" để đàm phán với các chủ nợ nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ. Thủ tướng A.Tsipras cũng cho biết, Chính phủ của ông sẵn sàng cải cách và ưu tiên số một hiện nay ở Hy Lạp là mở cửa trở lại các ngân hàng, đẩy mạnh thu hút đầu tư và tái cơ cấu các món nợ khổng lồ của nước này.

Trái ngược với tinh thần đoàn kết và thái độ dứt khoát của người dân và chính phủ Hy Lạp, các nhà lãnh đạo Châu Âu dường như vẫn còn lúng túng trong việc đưa ra phán quyết về "số phận" của Athens. Dự kiến, một Hội nghị thượng đỉnh Eurozone được tổ chức vào ngày hôm nay (7-7) theo lời kêu gọi của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande để đưa ra phán quyết cuối cùng về tương lai của quốc gia nợ nần này. Tuy nhiên, lập trường hiện nay của Eurozone vẫn chưa rõ ràng khi các nhà lãnh đạo Cựu lục địa còn thể hiện quan điểm trái ngược về tư cách thành viên của Athens. Ngoại trưởng Italia Paolo Gentiloni tỏ rõ ý muốn "níu chân" Xứ sở các vị thần trong Eurozone khi nhấn mạnh cần phải khởi động lại những nỗ lực để đạt được một thỏa thuận với Hy Lạp. Còn Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel lại cho rằng, hầu như không còn cơ hội đạt được sự thỏa hiệp với Chính phủ Hy Lạp. Theo ông Gabriel, Chính phủ của Thủ tướng A.Tsipras đã "phá hủy cây cầu cuối cùng để Châu Âu và Hy Lạp có thể đi tới một thỏa hiệp".

Tuy nhiên, mối quan hệ Eurozone và Hy Lạp có thể giữa đường đứt gánh hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Chắc chắn, lãnh đạo Châu Âu sẽ phải tính toán rất nhiều trước khi đưa ra quyết định cuối cùng đối với xứ sở Thần thoại bởi phán quyết này không chỉ quyết định vận mệnh của Athens mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai và sự hưng thịnh của Eurozone.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo Eurozone "đau đầu"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.