Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu ấn Barack Obama

Hoàng Linh| 23/05/2016 06:51

(HNM) - Ngay từ những ngày đầu trở thành người đứng đầu nước Mỹ, Tổng thống Barack Hussein Obama (thường được gọi Barack Obama) đã tuyên bố ông có thế mạnh về đối ngoại, với những hứa hẹn chắc chắn trong việc sẵn sàng đàm phán, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia luôn được coi là

Tổng thống Mỹ Barack Obama.


Sau gần hai nhiệm kỳ tại vị, ông chủ Nhà Trắng đã cho thấy những bước tiến hết sức tích cực trong việc thực hiện "lời hứa" khi gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực đối ngoại.

Trở lại với năm 2007, ông B.Obama đã tiếp quản nước Mỹ từ tay vị Tổng thống có quan điểm cứng rắn thuộc đảng Cộng hòa George W.Bush với nhiều "di chứng" nặng nề về đối ngoại. Trong đó phải kể tới tình trạng Mỹ đang sa lầy trong hai cuộc chiến tranh tốn kém ở Iraq và Afghanistan, nhiều quốc gia cũng bày tỏ thái độ thiếu thiện cảm với Mỹ… cùng nhiều vấn đề nội bộ khác. Vì thế, ngay từ giai đoạn đầu nắm quyền, vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã theo đuổi mục tiêu đưa binh sĩ Mỹ rời khỏi hai chiến trường khốc liệt Iraq, Afghanistan và tránh tối đa việc can thiệp mạnh mẽ, thô bạo tại Trung Đông, điển hình như các cuộc không kích lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi tại Lybia hay đổ quân can dự vào cuộc nội chiến Syria.

Bài phát biểu gây tiếng vang của ông B.Obama tại Cairo (Ai Cập) vào tháng 6-2009 được xem đã mở ra một trang mới với người Hồi giáo. Sau đó, chính quyền của ông B.Obama đã thực hiện nhiều nỗ lực tái khởi động tiến trình hòa bình Trung Đông nhằm tìm một giải pháp cho xung đột giữa Israel và Palestine. Cho dù hồ sơ này vẫn đang bế tắc nhưng ông B.Obama là vị Tổng thống hiếm hoi công khai chỉ trích việc xây dựng các khu định cư Do Thái trên phần đất chiếm đóng của người Palestine.

Và dưới thời của ông, mối quan hệ với đồng minh thân thiết ở Trung Đông là Israel đã rơi vào tình trạng lạnh nhạt chưa từng có. Nhà lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới cũng thể hiện sự quyết đoán trong nhiều quyết định mang tính lịch sử đối với nước Mỹ, như việc thông qua chiến dịch quân sự nhằm tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011, đạt được thỏa thuận hạt nhân quan trọng với Iran, ký kết Hiệp định Cắt giảm vũ khí chiến lược (START) mới với Nga nhằm hạn chế số lượng vũ khí tầm xa của cả hai nước hay chấm dứt hơn nửa thế kỷ cấm vận, tiến tới bình thường hóa quan hệ với quốc gia láng giềng Cuba...

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, ông B.Obama cũng đã nhanh chóng tái định hướng một số chính sách đối ngoại của nước Mỹ, chuyển trọng tâm sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hệ quả là từ năm 2011 đến nay, Mỹ đã có những động thái rõ ràng để thể hiện vị thế của cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh những thỏa thuận kinh tế đáng ghi nhận như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), dưới sự dẫn dắt của Tổng thống B.Obama, nước Mỹ cũng không ngần ngại khi đưa ra những cam kết vững chắc đối với các đồng minh như khẳng định Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật có bao gồm cả quần đảo tranh chấp Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, ủng hộ Philippines ở Đông Nam Á cả về quân sự lẫn ngoại giao, tạo quan hệ vững chắc hơn với các quốc gia thành viên ASEAN…

Những động thái quân sự và ngoại giao đó đã tạo thêm nhiều chỗ dựa cho Mỹ, mở rộng vai trò toàn cầu của quốc gia này tại khu vực mà Washington xem là nắm giữ lợi ích chiến lược của Mỹ trong thế kỷ XXI, đồng thời tạo được thiện cảm từ các nước Đông Nam Á cũng như Nhật Bản trong vấn đề bảo đảm tự do hàng hải và tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong sự chuyển động đó, Việt Nam luôn được Tổng thống B.Obama nhắc tới như một đối tác quan trọng của Mỹ trong khu vực. Mối quan hệ giữa hai bên đã phát triển với tốc độ nhanh chóng trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế tới giáo dục, đặc biệt là sự mở rộng hợp tác về an ninh, quốc phòng. Sau chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ hồi tháng 7 năm ngoái, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống B.Obama là một minh chứng nữa cho quyết tâm xây dựng một mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Mỹ và Việt Nam trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, vì lợi ích mỗi nước, đóng góp cho hòa bình và phồn vinh tại khu vực và trên thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dấu ấn Barack Obama

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.