Theo dõi Báo Hànộimới trên

”Ngày độc lập” của Anh: "Ngày buồn" của Châu Âu

Quang Huy| 25/06/2016 06:21

(HNM) - Năm 1953, Thủ tướng Anh khi đó là Winston Churchill đã có tuyên bố nổi tiếng: “Chúng tôi đồng hành với Châu Âu, nhưng không phải là một phần của nó; chúng tôi có mối liên hệ với Châu Âu, nhưng không phải bị hòa vào nó”.

Hơn nửa thế kỷ sau, người Anh đã quyết định rời Liên minh Châu Âu (EU), chấm dứt hơn 43 năm là thành viên của Liên minh này. Sự kiện Anh rời EU không chỉ làm bật lên tính đoán định trong tuyên bố của W.Churchill mà còn cho thấy quan hệ Anh - EU đã đến giới hạn và lợi ích quốc gia luôn được đặt lên hàng đầu.

Người Anh đã chọn “phương án” rời khỏi Liên minh Châu Âu.


Theo kết quả kiểm phiếu chính thức công bố ngày 24-6, 51,9% cử tri ủng hộ Anh rời EU (Brexit) và 48% phản đối. Ngay sau khi kết quả được công bố, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nhận định: Đây là quyết định “buồn”; đồng thời cho rằng Châu Âu cần nhanh chóng lấy lại niềm tin của người dân trong khối. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết, ông lấy làm tiếc về quyết định của người Anh và gọi ngày 24-6 là “ngày buồn của Châu Âu”. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) Nigel Farage cho biết: Đây là “Ngày độc lập” của Anh. Còn với Thủ tướng Anh David Cameron, ngay sau kết quả được công bố, ông chủ số 10 phố Downing đã cố ngăn nước mắt khi nói lời chia tay và tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới.

Đây là kết quả được dự báo, mặc dù EU từng có nhiều nhượng bộ nhằm giữ Anh ở lại Liên minh, nhưng, cuối cùng người dân Anh vẫn có sự lựa chọn riêng: Lợi ích trước mắt và liên quan trực tiếp đã lên tiếng. Cuộc khủng hoảng di cư tại Châu Âu kéo theo lo ngại về an ninh - khủng bố và khủng hoảng kinh tế trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (eurozone) khiến nhiều cử tri Anh có lý do chính đáng để chọn Brexit. Nhiều cử tri cho rằng người Anh phải gánh trách nhiệm quá lớn của Chính phủ - do vai trò của Anh ở EU - và phải đóng góp những khoản tiền lớn vào ngân sách Châu Âu. Những lý do này đẩy quan hệ giữa hai bờ eo biển Manche mỗi ngày một xa và Brexit là hệ quả.

Mối quan tâm nhất hiện nay tại Châu Âu là hậu quả sau cuộc “chia tay”. Với nước Anh, "đợt sóng" đầu tiên đã đến ngay thời điểm kiểm phiếu khi đồng bảng Anh giảm hơn 10% so với đồng USD, mức thấp nhất từ năm 1985. Tiếp đó, Anh sẽ mất đi một thị trường ổn định 500 triệu dân ở Châu Âu, dẫn tới thiệt hại 6% GDP vào năm 2020. Ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi các ngân hàng hàng đầu thế giới sẽ rời Anh để đến với một EU rộng lớn. Các doanh nghiệp lớn cũng sẽ hành động tương tự. Không chỉ kinh tế, nền tảng xã hội Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng khi hơn 2,2 triệu người Anh đang làm việc tại EU có thể thất nghiệp; đồng thời nước Anh bị cắt đứt mọi ưu đãi khi không còn là thành viên trong Liên minh. Không chỉ vậy, Brexit sẽ là tiền lệ để xứ Wales hay Scotland noi gương Anh thực hiện giấc mơ tách khỏi vương quốc.

Không dừng lại ở đó, Brexit được cho là sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự ổn định chính trị của EU, đẩy Liên minh vào giai đoạn bất ổn mới. Anh ra đi đồng nghĩa với EU mất đi một thành viên quan trọng, có tiếng nói trong các quyết sách. Hiệu ứng của Brexit còn ảnh hưởng trực tiếp tới một số nước Châu Âu như Tây Ban Nha với xứ Catalonia và xứ Basque đòi độc lập. Và điều EU “lo sợ” nhất sẽ đến khi Liên minh mất đi tiếng nói cũng như những mối liên kết giữa các thành viên. Không phải chờ đợi lâu, ngay sau kết quả trưng cầu ý dân ở Anh được công bố, tại Hà Lan, Nghị sĩ Geert Wilders đã ngay lập tức kêu gọi xứ Thấp theo chân Anh để trưng cầu ý dân về việc có nên rời EU hay không...

Với thế giới, sự kiện Anh rời EU là một đòn giáng vào hy vọng phục hồi kinh tế vốn rất mong manh. Chứng khoán Châu Á đồng loạt đỏ sàn, đồng euro giảm mạnh, giá vàng leo thang. Đó mới chỉ là những đợt sóng đầu tiên, nhiều khả năng nền kinh tế thế giới sẽ lại vấp phải những tổn thương mới. Trong lúc người Anh hoàn tất các thủ tục để "ra đi", ngoài những khoảng trống để lại Cựu lục địa, nước Anh còn tạo một khoảng cách mới, lớn hơn giữa hai bờ eo biển Manche.

EU tôn trọng quyết định của Anh

Ngày 24-6, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thay mặt Chủ tịch Luân phiên Châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã có cuộc gặp tại Brussels (Bỉ) và đưa ra tuyên bố nhấn mạnh: "Trong quá trình tự do và dân chủ, người dân Anh đã thể hiện mong muốn của mình rời khỏi EU. Chúng tôi lấy làm tiếc về quyết định này nhưng chúng tôi tôn trọng quyết định đó. Đây là một tình huống chưa có tiền lệ nhưng chúng tôi đoàn kết trong cách xử lý tình huống. Chúng tôi sẽ vẫn giữ lập trường mạnh mẽ và giữ gìn những giá trị chung của EU trong việc thúc đẩy hòa bình và sự thịnh vượng của người dân. Liên minh gồm 27 quốc gia vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển. Liên minh chính là cơ chế chính trị chung của chúng tôi. Chúng tôi gắn bó với nhau bằng lịch sử, địa lý và những mối quan tâm chung và chúng tôi sẽ cùng nhau phát triển dựa trên nền tảng này. Chúng tôi sẽ cùng nhau giải quyết thách thức chung để mang lại tăng trưởng, gia tăng sự thịnh vượng và bảo đảm một môi trường an toàn và vững chắc cho các công dân của chúng tôi. Tất cả các cơ quan Châu Âu sẽ vận hành với toàn vai trò của mình trong nỗ lực này. Giờ đây, chúng tôi mong muốn thấy Chính phủ Anh hiệu lực hóa quyết định này của người dân Anh sớm nhất có thể cho dù đây có thể là một quá trình đầy đau đớn".

Kim Dung

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
”Ngày độc lập” của Anh: "Ngày buồn" của Châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.