Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơn địa chấn kinh tế - chính trị trong lòng châu Âu

Lê Thế Mẫu/CAND| 27/06/2016 11:07

Trước mắt, việc Anh rời EU sẽ khiến cho đồng bảng Anh mất 15% giá trị, nhưng bù lại quốc gia này sẽ không phải nộp phí hàng tỷ USD. Ngoài ra, Anh sẽ giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới, “giải phóng” nền kinh tế Anh...

Trước mắt, việc Anh rời EU sẽ khiến cho đồng bảng Anh mất 15% giá trị, nhưng bù lại quốc gia này sẽ không phải nộp phí hàng tỷ USD. Ngoài ra, Anh sẽ giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới, “giải phóng” nền kinh tế Anh...

Ngày 23-6, người dân Anh đã có câu trả lời trước dư luận toàn cầu trong mấy ngày qua hồi hộp theo dõi và chờ đợi kết quả cuộc trưng cầu ý dân về đề án Brexit để xác định nước Anh ở lại hay ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) bởi đây là một sự kiện lịch sử không chỉ đối với xứ sở sương mù hay “lục địa già” mà còn là đối với cả thế giới.

Cuối cùng, cái gì cần đến sẽ phải đến: với 52% ý kiến ủng hộ đề án Brexit so với 48% số cử tri phản đối, nước Anh đã lựa chọn phương án chia tay với EU sau gần nửa thế kỷ chung sống dưới “mái nhà chung châu Âu”.

Theo giới phân tích, dù kết quả như thế nào thì cuộc trưng cầu ý dân này cũng phản ánh những dịch chuyển lớn trong nền kinh tế -xã hội và chính trị không chỉ của nước Anh nói riêng mà cả trong toàn bộ EU nói chung.
Việc nước Anh chia tay EU sẽ có tác động nhiều chiều với quốc gia này cũng như EU và nhiều nước trên thế giới. Đối với nước Anh, việc ra khỏi EU sẽ có tác động về chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh.

Về chính trị, dĩ nhiên nước Anh sẽ phải khắc phục sự chia rẽ sâu sắc giữa hai luồng tư tưởng ở lại hay ra đi khỏi EU không chỉ trên chính trường mà cả trong xã hội, thậm chí trong từng gia đình ở quốc gia này.

Về pháp lý, theo điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon, sau kết quả trưng cầu ý dân ngày 23-6, Anh và EU sẽ bắt đầu xúc tiến quá trình bàn thảo về việc Anh rút khỏi EU, trong đó Anh và EU sẽ phải rà soát khoảng 80.000 trang văn kiện các thỏa thuận giữa hai bên trong gần nửa thế kỷ qua.

Về kinh tế-xã hội, ước tính Anh mất một thị trường ổn định 500 triệu dân ở EU, dẫn tới thiệt hại 6% GDP vào năm 2020, bởi hơn một nửa số hàng hóa xuất khẩu của Anh hiện xuất sang các nước EU, đóng góp từ 4-5% GDP.

Hơn 2,2 triệu người Anh đang sinh sống và làm việc lại các nước khác trong EU có thể lâm vào cảnh thất nghiệp, đồng thời bị cắt đứt mọi quyền lợi tiếp cận ưu đãi trong xã hội. Ngoài ra, ngành ngân hàng, vốn đóng góp tới 8% tổng sản lượng kinh tế Anh, cũng sẽ bị ảnh hưởng khi Anh không còn là thành viên của EU.

Trước mắt, việc Anh rời EU sẽ khiến cho đồng bảng Anh mất 15% giá trị, nhưng bù lại quốc gia này sẽ không phải nộp phí hàng tỷ USD. Ngoài ra, Anh sẽ giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn các tuyến biên giới, “giải phóng” nền kinh tế Anh nói chung và các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng ra khỏi các quy định của EU. Đồng thời, Anh sẽ rũ bỏ được gánh nặng phải cưu mang làn sóng người nhập cư đến từ các nước châu Âu cũng như Bắc Phi-Trung Đông..


Những người ủng hộ Brexit vui mừng trước chiến thắng trong cuộc trưng cầu dần ý. Ảnh: Reuters

Đối với EU, việc Anh ra khỏi liên minh này sẽ làm trầm trọng thêm sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ tổ chức này; kích thích quá trình suy thoái kinh tế trong EU; làm trầm trọng thêm xu hướng gia tăng chủ nghĩa dân tộc cánh hữu; làm suy yếu chính sách an ninh của EU và cả Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương; làm gia tăng xu hướng phản đối chính sách nhập cư của EU; có thể gây ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa Anh và EU.

Đối với thế giới, ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu Anh chia tay với EU, thị trường thế giới có biến động lớn. Trong đó, cổ phiếu giảm mạnh từ Tokyo (Nhật) đến London (Anh) và Chicago (Mỹ). Giá dầu thô thế giới liên tục giảm trong khi giá vàng tăng mạnh và đồng Euro giảm 3,8%.

Đối với Nga, kinh tế Nga bị tác hại nặng nề trên nhiều lĩnh vực, trước hết là do đầu tư của Nga tập trung chủ yếu ở Anh và gắn chặt với EU. Đặc biệt, việc Anh ra khỏi EU sẽ đặt liên minh này trước nguy cơ tan rã và do đó đặt đề án liên kết giữa Liên minh kinh tế Á-Âu của Tổng thống Nga V.Putin với Liên minh châu Âu để hình thành không gian kinh tế thống nhất trên toàn bộ lục địa Á-Âu trước nguy cơ phá sản.

Đối với Mỹ, một đồng minh thân cận như Vương quốc Anh không còn nằm trong thành phần EU thì Washington khó có thể duy trì ảnh hưởng lớn, mang tính áp đặt, đối với Brussels như hiện nay.

Đối với Trung Quốc, việc Anh rời khỏi EU sẽ khiến Bắc Kinh mất hy vọng sử dụng mối quan hệ ngày càng chặt chẽ với London để gây ảnh hưởng tới chính sách của Brussels đối với họ. Trung Quốc cũng sẽ mất đi một lối đi lớn để thâm nhập vào thị trường châu Âu và làm tiêu tan giấc mộng quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ tại một trung tâm tài chính lớn hàng đầu thế giới ở London.

Từ Nhật Bản, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso khẳng định, Tokyo “rất quan ngại” về những rủi ro đối với kinh tế thế giới do quyết định rời khỏi EU của Anh. Chính phủ Nhật Bản tổ chức một cuộc họp vào tối 24-6 với sự tham gia của Thủ tướng Shinzo Abe, Bộ trưởng tài chính Taro Aso và Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, để thảo luận các biện pháp nhằm ngăn chặn các cú sốc đối với thị trường.

Cuộc họp này cũng sẽ tập trung phân tích tác động của Brexit đối với kinh tế thế giới. Từ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố tôn trọng sự lựa chọn của người dân Anh.

Từ Australia, Thủ tướng Malcolm Turnbull khẳng định mối quan hệ của Australia với Anh sẽ duy trì “rất mạnh mẽ và thân thiết”, đồng thời bày tỏ tin tưởng các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do với EU sẽ không bị tác động xấu bởi Brexit.

Thủ tướng Australia cho rằng sẽ có một giai đoạn biến động và một số bất ổn trên thị trường toàn cầu, nhưng người dân Australia không cần lo lắng trước những diễn biến này.

Từ Đức, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Sigmar Gabriel và Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier gọi sự kiện Anh ra khỏi EU là "một ngày đau buồn đối với EU" và châu Âu thực sự vỡ mộng khi cử tri Anh ủng hộ quyết định rời khỏi châu lục.

Bộ trưởng Tài chính Liên bang Đức Wolfgang Schuble lên tiếng kêu gọi các nước thành viên khác trong EU cần phải đoàn kết mạnh mẽ hơn nữa, cùng nhau tạo ra những điều tốt đẹp nhất sau quyết định của cử tri Anh
Từ NATO, Tổng Thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố vị trí của Anh trong liên minh quân sự này do Mỹ đứng đầu “sẽ không thay đổi” mặc dù người dân Anh bỏ phiếu ủng hộ rời EU. Theo ông Stoltenberg, Vương quốc Anh sẽ vẫn là một đồng minh hùng mạnh và tận tâm của NATO và sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu trong liên minh này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơn địa chấn kinh tế - chính trị trong lòng châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.