Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đông Bắc Á “tăng nhiệt”

Thùy Dương| 23/07/2016 07:19

(HNM) - Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tiếp tục

Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên.


Theo quân đội Hàn Quốc, Triều Tiên đã bắn ba quả tên lửa chiến lược thuộc các loại Scud và Rodong. Hai trong số ba tên lửa rời bệ phóng đã bay xa khoảng 500 - 600km trước khi rơi xuống biển Nhật Bản - khoảng cách đủ để vươn tới tất cả các mục tiêu tại Hàn Quốc, kể cả Busan, một thành phố cảng ở phía nam. Quả thứ ba có thể đã phát nổ trên không trung do trục trặc kỹ thuật. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng, các tên lửa này đặt toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc trong tầm bắn.

Hành động "cứng rắn" của Triều Tiên ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Thậm chí Washington tuyên bố sẽ đưa các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng ra chương trình nghị sự của Liên hợp quốc (LHQ).

Những năm gần đây, Triều Tiên đã nhiều lần bắn thử hai loại tên lửa Scud và Rodong. Nhưng khác những lần thử trước, vốn được xem là nỗ lực của Bình Nhưỡng nhằm cải thiện hệ thống tên lửa, lần này các nhà phân tích cho rằng có dấu hiệu cho thấy đây là hành động nhằm phô trương sức mạnh. Về lý thuyết, Triều Tiên và Hàn Quốc vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh, bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên xảy ra năm 1950-1953 mới chỉ chấm dứt bằng một thỏa thuận đình chiến chứ chưa phải một Hiệp ước hòa bình.

Triều Tiên luôn đe dọa sẽ hủy diệt Nhật Bản, Hàn Quốc và đồng minh của hai quốc gia này là Mỹ. Vụ "tập trận" tên lửa như Triều Tiên tuyên bố diễn ra gần một tuần sau khi Hàn Quốc và Mỹ xác nhận đã chọn được "địa chỉ" để triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Bình Nhưỡng - hành động đã khiến nước này đưa ra lời đe dọa sẽ “đáp trả không chỉ bằng lời nói”.

Bất chấp các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, nhiều tháng qua Triều Tiên đã liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo, trong đó có vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm trong tháng 7 này. Ngoài thao luyện nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị tên lửa, đây có thể là cách để Triều Tiên "nhắc nhở" người láng giềng phía nam rằng vị trí triển khai hệ thống THAAD cũng nằm trong tầm ngắm của các tên lửa Bình Nhưỡng.

Theo công bố mới đây của Mỹ và Hàn Quốc, địa điểm triển khai hệ thống THAAD sẽ được đặt tại vùng Seongsan-ri nằm ở phía Đông nam Hàn Quốc và hoạt động vào cuối năm 2017. Hai nước đồng minh này còn “đổ thêm dầu vào lửa” với các cuộc tập trận quân sự mà Triều Tiên luôn coi là “sự tuyên chiến”. Không chỉ lên tiếng phản đối, Bình Nhưỡng còn khẳng định sẽ hành động "cứng rắn" với các kế hoạch của bộ đôi Mỹ - Hàn.

Bên cạnh sự phản ứng mạnh mẽ của các nước trong khu vực, cộng đồng quốc tế cũng thể hiện quan ngại sâu sắc trước hành động của Triều Tiên. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, vụ thử tên lửa mới của Bình Nhưỡng sẽ ảnh hưởng tới những nỗ lực "hạ nhiệt" trên bán đảo này. Trong khi đó, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) Federica Mogherini cho rằng, những vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên "là sự vi phạm rõ ràng và nghiêm trọng" các nghĩa vụ quốc tế của Bình Nhưỡng.

Vụ Triều Tiên phóng thử ba quả tên lửa vào ngày 19-7 vừa qua một lần nữa đẩy căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á leo thang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đông Bắc Á “tăng nhiệt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.