Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác Thương mại EU - Canada: Vì sao dân Châu Âu phản ứng?

Quang Huy| 19/10/2016 06:37

(HNM) - Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện (CETA) giữa Liên minh Châu Âu (EU) với Canada sắp được ký kết chính thức nhưng đang vấp phải làn sóng phản đối của người dân nhiều nước.

Người dân Bỉ xuống đường phản đối CETA.


Các nhà lập pháp vùng nói tiếng Pháp Wallonie của Bỉ đã bỏ phiếu phủ quyết việc ký Hiệp định CETA, đồng thời yêu cầu quá trình đàm phán phải dựa trên những tiêu chuẩn mới và minh bạch hơn. Với 46 phiếu thuận, 16 phiếu chống và 1 phiếu trắng, Nghị viện vùng Wallonie đã thông qua nghị quyết từ chối cho phép chính phủ liên bang toàn quyền ký kết CETA. Điều này đã khiến thỏa thuận EU - Canada rơi vào bế tắc do Chính phủ Bỉ chỉ có thể thông qua CETA khi nhận được sự đồng ý của tất cả các cơ quan lập pháp cấp liên bang, vùng và cộng đồng ngôn ngữ tại nước này.

Không chỉ ở vùng Wallonie, hàng chục nghìn người ở Brussels cũng đã biểu tình trước trụ sở EU để phản đối CETA cũng như Hiệp định Đối tác thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương giữa EU và Mỹ (TTIP).

Ngoài ra, các đảng phái vùng ở Bỉ gồm đảng Xã hội, Lao động, Ecolo và Dân chủ nhân văn trung hữu cũng kiên quyết từ chối cho Ngoại trưởng Bỉ Didier Raynders toàn quyền thông qua thỏa thuận trong cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao EU ngày 18-10.

Tuy nhiên, các chính đảng cũng cho biết quyết định trên không có nghĩa là sự phủ quyết vĩnh viễn nhằm chôn vùi thỏa thuận. Thay vào đó, các cuộc đàm phán mới cần dựa trên những tiêu chuẩn mới và cách thức tiến hành đàm phán phải minh bạch hơn.

Điều gì đã khiến cho một số quốc gia Châu Âu, đặc biệt là người dân ở những vùng nói tiếng Pháp của Bỉ, phản ứng quyết liệt với các văn bản thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương? Trước hết, những người phản đối lo ngại rằng thỏa thuận giữa EU - Canada sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm và mở đường cho một thỏa thuận tương tự với Mỹ vốn được cho là sẽ đe dọa hạ thấp các tiêu chuẩn về tiêu dùng, quyền lao động, bảo vệ môi trường tại Châu Âu cũng như trong các lĩnh vực quan trọng như y tế và phúc lợi xã hội. Cùng với đó là số người mất việc có nguy cơ tăng cao do thị trường lao động Mỹ hấp dẫn hơn và có tính cạnh tranh cao hơn.

Hồi đầu tháng 10, tại cuộc gặp giữa phái đoàn Quốc hội Bỉ và giới chức Canada tại Quebec, Chủ tịch Quốc hội vùng nói tiếng Pháp của Bỉ Andre Antoine, đã có bài phát biểu trước cử tọa Canada vốn rất băn khoăn không hiểu sao vùng Wallonie bé nhỏ lại phản kháng dữ dội hiệp định đến vậy. Chính trị gia này cho rằng, sự can thiệp của Quốc hội vùng Wallonie là hoàn toàn hợp pháp khi không bác bỏ hiệp định mà chỉ muốn sửa một số nội dung liên quan đến vấn đề về tập quán thương mại, nông nghiệp và các quy định về giải quyết tranh chấp để phù hợp hơn về kinh tế, xã hội, tư pháp, đồng thời dung hòa được quan điểm của các bên đối tác. Đối với Quốc hội vùng nói tiếng Pháp, hiệp định giữa EU và Canada có thể được ký nhưng phải kèm với hai điều kiện. Thứ nhất, văn kiện phải được xem xét và sửa đổi cho phù hợp. Thứ hai, việc đàm phán Hiệp định TTIP với Mỹ phải dừng lại và được công bố chính thức.

Không phải chỉ duy nhất Bỉ bị mắc kẹt. Sự phản đối tương tự cũng đã xuất hiện tại nhiều quốc gia Châu Âu với những lý do tương tự. Hồi giữa tháng 9, Áo cho biết chưa có quyết định về vấn đề này trong khi Slovenia và Hungary vẫn chờ kết quả tranh luận của Quốc hội mỗi nước.

Trong khi đó, nhiều lãnh đạo Châu Âu muốn bằng mọi cách ký kết CETA với Canada, từ Tổng thống Pháp François Hollande, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Sigmar Gabriel đến Thủ tướng Bỉ Charles Michel. Những người ủng hộ cho rằng thỏa thuận thương mại tự do giữa EU và Canada sẽ thúc đẩy trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Châu Âu và Canada lên 20% và đưa tổng sản phẩm nội khối (GDP) của EU lên hơn 12 tỷ euro mỗi năm.

Dẫu vậy, những ý kiến đối nghịch nhau trong nội bộ EU đang đẩy thỏa thuận tới nguy cơ bị đổ bể ở phút chót. Trong điều kiện hiện nay, nếu không có sự thỏa hiệp theo hướng tôn trọng ý kiến của các thành viên thì rất khó có thể hiện thực hóa bản hiệp định thương mại giữa EU và Canada. Trong trường hợp này, hậu quả để lại sẽ nghiêm trọng vì theo như Tổng Giám đốc Thương mại của EU Jean-Luc Demarty: “Nếu CETA không được ký kết thì đó là sự kết thúc của chính sách thương mại Châu Âu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác Thương mại EU - Canada: Vì sao dân Châu Âu phản ứng?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.