Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cú bứt phá ngoạn mục của Ấn Độ

Hoàng Linh| 24/12/2016 07:34

(HNM) - Những nỗ lực của Ấn Độ trên con đường phát triển đã đạt được dấu mốc đáng nhớ khi lần đầu tiên trong 100 năm qua, quốc gia này đã vượt Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới. Với GDP đạt mức 2.300 tỷ USD, vượt ngưỡng 2.290 tỷ USD của xứ sở Sương mù, hiện quy mô nền kinh tế Ấn Độ chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Pháp.

Nền kinh tế Ấn Độ đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ.


Đây thực sự là thành tựu có ý nghĩa to lớn về nhiều phương diện đối với quốc gia Nam Á và báo hiệu nhiều thay đổi đối với kinh tế thế giới.

Kết quả này không gây bất ngờ bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã từng đưa ra dự báo về triển vọng trên ngay trong tài khóa này. Sự vươn lên của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế khu vực khá ảm đạm. Theo số liệu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), mức tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2016 đã giảm từ 7,4% xuống còn 7% do sức đầu tư yếu, nông nghiệp suy thoái. Tuy nhiên, mức tăng trưởng dự đoán của quốc gia Nam Á trong năm 2017 được cho là sẽ vẫn duy trì ở 7,8% như dự đoán.

Trong khi đó, theo IMF, thành công của nền kinh tế Ấn Độ đến từ sự sụt giảm giá hàng hóa toàn cầu thông qua gia tăng thương mại cùng với việc lạm phát ở mức thấp hơn dự kiến. Mặt khác, kể từ năm 2014, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đẩy mạnh cải cách thị trường sâu rộng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, dân số đông, nguồn tài chính "ma" chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế cùng nhiều trở ngại khác là những vấn đề mà Chính phủ Ấn Độ đang phải đối mặt. Bản thân việc nước này phi tiền tệ hóa đối với hai tờ tiền lớn nhất (500 và 1.000 rupee) trong tháng 11 vừa qua cũng được cho là khiến tình trạng thiếu hụt tiền mặt diễn ra. Trong bối cảnh ấy, dĩ nhiên việc chỉ vượt Anh vẫn chưa đủ để Ấn Độ giải quyết được hết các thách thức đặt ra, nhưng chắc chắn sẽ tạo động lực mới, củng cố sự tự tin để nước này giải quyết các tồn tại.

Về phần mình, Anh đã luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong suốt năm 2016 và một trong số đó là những hệ quả của quyết định trưng cầu dân ý rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit. Mặt khác, để chuẩn bị cho việc đối phó với những tác động tiêu cực và hệ lụy bất lợi từ Brexit về trung hạn cũng như lâu dài, Thủ tướng Anh Theresa May đã dành ưu tiên cho mối quan hệ với các nước trong khuôn khổ Khối thịnh vượng chung mà Ấn Độ là một trong những thành viên quan trọng nhất. Việc đổi ngôi về kinh tế này cũng sẽ làm thay đổi đáng kể cục diện quan hệ giữa Ấn Độ và Anh, giúp đề cao vị thế, vai trò và ảnh hưởng của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS), trong đó Ấn Độ là thành viên chủ chốt, đồng thời buộc các đối tác phải nhìn nhận quốc gia này với góc độ khác. Như vậy, sau khi Trung Quốc đẩy Nhật Bản xuống vị trí thứ ba trong xếp hạng kinh tế thế giới, giờ đây sự trỗi dậy của Ấn Độ một lần nữa cho thấy những thay đổi trong tương quan lực lượng và cục diện quan hệ quốc tế.

Nhìn chung các nền kinh tế Châu Á, trong đó có Ấn Độ được đánh giá là sẽ sớm vượt qua khó khăn, tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2017, bất chấp những biến chuyển khó đoán định của kinh tế toàn cầu. Những dự đoán đầy lạc quan này dựa trên thực tế việc tái cấu trúc nền kinh tế đã giúp nhiều nước nâng cao năng lực sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư và kích cầu tiêu dùng nội địa giúp duy trì đà tăng trưởng. Riêng khu vực Nam Á, dù những dự đoán mà ADB dành cho năm 2016 có phần thiếu lạc quan, ngân hàng này cũng cho biết tình hình tăng trưởng của khu vực sẽ trở lại mức 7,3% trong năm 2017. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế Anh được cho là sẽ chỉ đạt 1,8% trong năm 2016 và sẽ giảm xuống 1,1% trong năm 2017 vì Brexit. Vì thế, việc Ấn Độ tiếp tục giữ được thứ hạng trong tương lai gần là hoàn toàn khả thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cú bứt phá ngoạn mục của Ấn Độ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.