Theo dõi Báo Hànộimới trên

Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017: Cùng hợp tác để vượt qua thách thức

Hoàng Linh| 22/01/2017 06:34

(HNM) - Sáng 21-1 (theo giờ Việt Nam), Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới 2017 (WEF 2017) đã bế mạc tại Davos, Thụy Sĩ sau 4 ngày nhóm họp với hàng trăm phiên thảo luận.

Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức ngày càng đa dạng và phức tạp, các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, những người đứng đầu các phong trào xã hội và các học giả uy tín trên thế giới đã cùng trao đổi về các thách thức đang đặt ra cho nhân loại và cùng tìm ra những phương hướng hợp tác hiệu quả trên phạm vi toàn cầu.


Diễn đàn đã có nhiều cuộc trao đổi nhằm tìm ra những phương hướng hợp tác hiệu quả trên phạm vi toàn cầu.


WEF 2017 diễn ra trùng với thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump thực hiện lễ nhậm chức. Vì thế, không ngạc nhiên khi các cuộc thảo luận của hội nghị tập trung nhiều vào việc liệu các chính sách trong tương lai của Washington sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế thế giới và các mối quan hệ quốc tế? Hầu hết các quốc gia đều bày tỏ hy vọng về mối quan hệ tốt đẹp với chính quyền mới của Mỹ, sự tin tưởng Mỹ sẽ vẫn là quốc gia có vai trò toàn cầu quan trọng và là đối tác có trách nhiệm trong các quan hệ quốc tế.

Ngoài ra, nhiều vấn đề nóng khác đã được đưa ra thảo luận. Trong đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond đã kêu gọi một mối quan hệ đối tác gần gũi với Liên minh Châu Âu (EU) sau khi nước này rời EU (Brexit) không chỉ trong thương mại mà cả an ninh. Hội nghị cũng thảo luận về việc triển khai các sáng kiến trong các lĩnh vực tiêu dùng, kinh tế và xã hội số, năng lượng tài nguyên - môi trường, hệ thống tài chính - tiền tệ, an ninh lương thực và nông nghiệp, y tế, đầu tư và thương mại quốc tế…

Thực tế cho thấy, thế giới đang đối mặt với những thử thách từ kinh tế đến an ninh, từ biến đổi khí hậu đến chiến tranh hạt nhân... tác động nghiêm trọng đến đời sống người dân cũng như sự ổn định chính trị, xã hội của nhiều nước. Trong khi đó, bất ổn an ninh và nguy cơ khủng bố ngày càng hiện hữu và đe dọa mọi quốc gia.

Trong suốt các phiên họp, nhiều giải pháp đã được nêu ra nhắm tới các mục tiêu nâng cao quản trị toàn cầu, ứng phó với các bất ổn an ninh và khủng hoảng, thúc đẩy phát triển bao trùm và bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, tái cơ cấu kinh tế và cải cách xã hội ở các quốc gia và khu vực…

Sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong vai trò người đứng đầu Chính phủ mới nhiệm kỳ 2016-2020 đã thể hiện quyết tâm hội nhập và tham gia tích cực vào các diễn đàn quốc tế của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và có các phát biểu quan trọng tại nhiều phiên thảo luận cũng như có các cuộc gặp song phương với lãnh đạo nhiều quốc gia, các công ty, doanh nghiệp lớn cũng như giới báo chí, truyền thông quốc tế.

Với những ý kiến thẳng thắn, mang tính xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện sự đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam trong việc ứng phó với các thách thức và thúc đẩy sự thịnh vượng trên toàn cầu cũng như mong muốn đẩy nhanh sự hòa nhập của Việt Nam vào nền kinh tế, thương mại, công nghệ thế giới. Những kết quả tích cực và có ý nghĩa tại Davos cũng đã quảng bá vị thế, vai trò của Việt Nam như một quốc gia năng động với quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, mang lại lợi ích cho người dân và các doanh nghiệp.

Có thể khẳng định rằng, Diễn đàn WEF năm nay đã nhận diện được nhiều vấn đề khó khăn gây cản trở cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới. Qua đó, các nhà lãnh đạo cũng đã đề ra những cách thức phối hợp nhằm quản lý quốc gia, quản trị khu vực và toàn cầu linh hoạt hơn, nhanh chóng thích ứng với mọi thay đổi đang diễn ra. Do vậy, qua 47 lần nhóm họp, WEF đang ngày càng khẳng định uy tín và chứng tỏ được sức hấp dẫn của một diễn đàn toàn cầu, nơi đề cao sự hợp tác để cùng vượt qua những thách thức của thời đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2017: Cùng hợp tác để vượt qua thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.