Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chặng đua khó nhọc

Quỳnh Dương| 24/01/2017 06:26

(HNM) - Trái với dự đoán, cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp Benoit Hamon đã bất ngờ vượt lên dẫn đầu trong cuộc bầu cử sơ bộ vòng một của cánh tả và sẽ cùng với cựu Thủ tướng Manuel Valls tham gia vòng hai để tranh suất đại diện cho phe này ra tranh cử Tổng thống Pháp vào tháng 5 tới.

Bộ trưởng Giáo dục Pháp Benoit Hamon đã tạo bất ngờ trong cuộc bầu cử vòng một nhằm chọn ra ứng cử viên tổng thống cho cánh tả.



Tham gia cuộc bầu cử sơ bộ vòng một của cánh tả diễn ra ngày 22-1 có 7 ứng cử viên, gồm 4 người của PS, 2 người từ đảng Xanh và 1 người thuộc đảng Cực tả. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố ngày 23-1, ông Benoit Hamon (PS) giành được 35% số phiếu so với 31% của ông Manuel Valls cũng thuộc (PS). Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Kinh tế Arnaud Montebourg (PS) đã bị loại khi chỉ giành được 18% số phiếu.

Đây được coi là kết quả khá bất ngờ bởi giới phân tích trước đó vẫn đánh giá ứng cử viên Benoit Hamon là “người ngoài cuộc” và khó có thể thách thức vị thế của cựu Thủ tướng Manuel Valls - người dày dặn kinh nghiệm chính trường. Trong các cuộc thăm dò dư luận, ông M.Valls thường vượt lên trước các ứng cử viên khác của cánh tả. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chính trị gia này đã để mất điểm trong các cuộc tranh luận cuối cùng vì màn thể hiện mờ nhạt trước các đối thủ.

Theo kế hoạch, cuộc bầu cử sơ bộ của phe cánh tả cũng được tiến hành theo hai vòng như phe cánh hữu. Vòng hai dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29-1, một tuần sau khi kết thúc vòng một. Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của cánh tả sẽ phải cạnh tranh với các ứng cử viên cánh hữu Francois Fillon, người chủ trương các cải cách triệt để và ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN), bà Marine Le Pen, trong cuộc chạy đua quyết liệt vào Điện Elysee trong tháng 5 tới. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi những gì Tổng thống F.Hollande thể hiện trong nhiệm kỳ vừa qua được cho là không mấy ấn tượng. Nhậm chức tháng 5-2012 nhưng kể từ tháng 11-2013, ông đã được coi là Tổng thống đương nhiệm “không được lòng dân nhất” của nền Đệ ngũ Cộng hòa. Những chỉ số tăng trưởng kinh tế không khả quan cùng tình trạng bất ổn an ninh của nước Pháp sau hơn 4 năm cầm quyền khiến tỷ lệ ủng hộ ông liên tục sụt giảm và tỷ lệ ủng hộ đảng PS cũng sụt giảm theo. Đây là một bất lợi lớn mà các ứng cử viên của đảng này sẽ phải đối mặt trong cuộc bầu cử sắp tới. Bên cạnh đó, những chia rẽ thường xuyên tồn tại trong nội bộ PS cùng những bất đồng với các đồng minh cánh tả truyền thống như đảng Cộng sản (PCF) và đảng Xanh sẽ là một nguyên nhân cản trở ứng cử viên đảng này đạt được mục đích.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng F.Fillon, với chủ trương tiến hành các cải cách triệt để đang nổi lên trên chính trường Pháp, đã tạo ra sức hút lớn đối với các cử tri. Còn bà M.Le Pen với quan điểm chống Châu Âu và chống người di cư cũng đã giành thêm được nhiều sự ủng hộ do tâm lý muốn rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) của người dân Pháp ngày càng gia tăng. FN đang hy vọng sẽ thuyết phục được đa phần người dân Pháp bỏ phiếu cho bà M.Le Pen như những gì đã diễn ra ở Anh trong cuộc trưng cầu dân ý rời khỏi EU và tạo nên bất ngờ như chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Như vậy, trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, bên cạnh việc đưa ra cương lĩnh tranh cử với những cam kết đáp ứng mong đợi của người dân, ứng cử viên PS phải đủ khả năng tập hợp lực lượng mới có hy vọng giành chiến thắng. Bởi cho đến nay, các cuộc thăm dò dư luận tại Pháp vẫn cho thấy, vòng hai của cuộc bầu cử sẽ là cuộc đua giữa ông F.Fillon và bà M.Le Pen.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chặng đua khó nhọc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.