Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gắn kết trong tương lai số

Nguyễn Thúc| 20/05/2018 06:33

(HNM) - Là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được dự đoán sẽ tiến tới vị trí thứ 4 vào năm 2030. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận định, kinh tế ASEAN sẽ tăng trưởng ổn định khoảng 5,2% mỗi năm từ nay tới năm 2022, trở thành khu vực phát triển nhanh nhất thế giới.


Trong bối cảnh ấy, việc xây dựng một Cộng đồng ASEAN mạnh mẽ và gắn kết thông qua thông tin và truyền thông, nhằm sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu là nhiệm vụ cấp bách. Đây cũng là trọng tâm được đề cập trong Hội nghị Bộ trưởng Thông tin Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 14 (AMRI-14) vừa diễn ra tại Singapore. Hội nghị cũng chứng kiến nỗ lực lớn của các quốc gia thành viên trong việc tạo ra một không gian số chung an toàn, hiện đại.

Hướng tới mục tiêu này, ưu tiên hàng đầu là phòng, chống tin tức giả mạo. Chủ tịch AMRI-14, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Singapore S.Iswaran nêu rõ, vấn nạn tin giả đang trở thành thách thức mang tính toàn cầu và diễn ra đặc biệt nghiêm trọng trên các nền tảng mạng xã hội. Những năm qua, truyền thông trên không gian số đã trở thành nguồn thông tin chính của người dân ASEAN. Do đó, việc “chuẩn hóa” các nguồn tin cần những thay đổi để sẵn sàng đối phó với thách thức mới.

Về điều này, ông S.Iswaran cho rằng, mỗi quốc gia ASEAN cần tích cực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng, chống tin tức giả mạo, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực do chúng mang lại, qua đó đem tới cơ hội chia sẻ thông tin hiệu quả, tăng cường niềm tin trên hệ sinh thái số, hướng tới gắn kết tốt đẹp giữa người dân và chính phủ các nước.

Cũng để tăng cường hội nhập trong môi trường kỹ thuật số khu vực, Tuyên bố chung của AMRI-14 còn đề xuất các nước tích cực hoàn tất tiến trình giảm phụ thuộc vào công nghệ truyền hình sử dụng tín hiệu tương tự (analog) vốn đã rất cũ kỹ, hướng tới các giải pháp tín hiệu số hiện đại.

Cùng với đó, các bộ trưởng phụ trách thông tin ASEAN cũng đặt mục tiêu nâng cao tính đồng bộ trong tiêu chuẩn phát sóng truyền hình ở mỗi nước, đặc biệt là việc chuẩn hóa hoạt động phát sóng các kênh truyền hình miễn phí thông qua tiêu chuẩn kỹ thuật số DVB-T2. Nhờ thế, người dùng trên khắp ASEAN có thể theo dõi ti vi ngay trên điện thoại thông minh và thiết bị di động, mở ra khả năng truyền tải thông điệp sâu rộng từ chính phủ tới công dân.

Chưa bao giờ, tinh thần hội nhập của ASEAN trong môi trường kỹ thuật số hiện đại lại được đề cao như lúc này. Điều đó có thể thấy rõ khi tất cả những nhiệm vụ mà AMRI-14 đề ra đều hướng tới mục tiêu thống nhất là duy trì gắn kết, tăng cường niềm tin và đưa Cộng đồng ASEAN xích lại gần nhau hơn trong môi trường số của tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gắn kết trong tương lai số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.