Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vừa “nhặt”, vừa “xây”

ANHTHU| 15/02/2005 08:01

Khiêu vũ thể thao (KVTT) đã được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 23 năm 2005. Theo Phó chủ tịch kiêm TTK UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, môn này cũng sẽ có mặt tại Olympic Bắc Kinh 2008 và Đại hội Các môn thể thao trong nhà (Indoor Games) 2009 (mà Việt Nam nhiều khả năng giành được quyền đăng cai).

Khiêu vũ thể thao (KVTT) đã được đưa vào chương trình thi đấu của SEA Games 23 năm 2005. Theo Phó chủ tịch kiêm TTK UB Olympic Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang, môn này cũng sẽ có mặt tại Olympic Bắc Kinh 2008 và Đại hội Các môn thể thao trong nhà (Indoor Games) 2009 (mà Việt Nam nhiều khả năng giành được quyền đăng cai). Vì vậy, cùng với việc nhặt nhân tài để giải quyết trước mắt, việc xây lực lượng là điều vô cùng cần thiết.

“Nhặt” thế nào ?

Việt Nam chưa có Liên đoàn KVTT, UB TDTT cũng chưa hình thành bộ môn này. Chỉ có một số thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... là có CLB KVTT. Còn lại, dù phong trào khiêu vũ rất phát triển, nhưng chỉ giải quyết khâu giao tiếp, khó nói chuyện lấy quân đưa đi thi đấu ở các đại hội, giải thể thao quốc tế.

Môn này mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng được rất nhiều người yêu thích và đam mê. UB TDTT đã quyết định cứ đội tuyển tham dự KVTT ở SEA Games 23, lấy quân là một cặp nhảy người Việt đã có danh trên trường quốc tế ở diện... nghiệp dư. Đó là cặp Nguyễn Hải Anh - Nguyễn Hồng Thi. Giải thưởng quốc tế đầu tiên của cặp nhảy này là Cúp Sao Vàng (tương đương giải nhì) cuộc thi do Tổ chức chuyên nghiệp của Hội Vũ sư Pháp (AMDF) tổ chức tháng 6-2003 tại Pa-ri. Sau đó là giải nhì giải vô địch AMATEUR Pháp mở rộng (tại Montreuil tháng 8-2003), giải tư Cúp AMDF (tháng 10-2003), rồi Cúp Vàng AMDF tháng 2-2004. Tại cuộc thi mở rộng của Liên đoàn Khiêu vũ quốc tế (IDSF) tổ chức đầu tháng 4-2004, Hải Anh và Hồng Thi đã đua tài cùng 60 đôi của 13 quốc gia, vào được vòng 2/5. Cũng khoảng giữa tháng đó, đôi nhảy Việt Nam đoạt giải nhì tại cuộc thi do ủy ban và Liên đoàn KVTT Pháp phối hợp tổ chức.

UB TDTT đã triệu tập đôi nhảy thành danh ở Pháp này vào tuyển quốc gia. Chế độ không cao nhưng cũng đỡ phần nào cho họ khi tập luyện ở Pháp. Cùng với một vài cặp nhảy xuất sắc được lấy từ các CLB phong trào, cặp nhảy Hải Anh - Hồng Thi sẽ là lực lượng tiên phong cho KVTT tại SEA Games 23.

4 năm nữa mới “ra ràng”

* Trong khi Liên đoàn KVTT quốc gia chưa thể hình thành, giám đốc Sở TDTT Hoàng Vĩnh Giang đã ra quyết định thành lập “Ban vận động thành lập LĐ KVTT Hà Nội” vào trung tuần tháng 1. Ban gồm 16 thành viên, do cựu PGĐ Sở TDTT Hoàng Hưng làm trưởng ban.

* Cặp vũ sư Trần Trung Thành và Yvonne Hemlein cũng đã bày tỏ nguyện vọng được góp mặt trong tuyển Việt Nam tham gia thi đấu tại SEA Games 23. Vấn đề còn mắc là khâu nhập quốc tịch của vũ sư Yvonne Hemlein và sự chấp thuận của UB TDTT.

Tháng 10-2004, Chủ tịch IDSF Shawn Tay đã ngỏ ý muốn giúp Việt Nam sớm thành lập Liên đoàn KVTT và gia nhập tổ chức quốc tế này. Ông Shawn đã giới thiệu 2 giảng viên nhiều kinh nghiệm là Việt kiều Trần Trung Thành và bà Yvonne Hemlein (người Đức) sang giúp ta huấn luyện lực lượng. Hai vũ sư này đã sang từ 25-12-2004 đến 2-1-2005, biểu diễn tại CLB Khiêu vũ ở Tăng Bạt Hổ, Công viên Tuổi trẻ, dạy cho giáo viên của đội tuyển trẻ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. “Họ dạy rất tỉ mỉ. Học viên phải thực hiện những động tác rất cơ bản như: đặt giấy dưới gót giày, nhảy làm sao để tờ giấy phải di lướt theo chân, để chân gần như không rời khỏi sàn, nhưng cũng không được miết quá chặt xuống sàn...” - Chủ nhiệm CLB Khiêu vũ Thể thao Hà Nội Phan Thanh Tâm kể. “HLV của mình học được rất nhiều, về dạy lại cho đội trẻ, các em tiếp thu nhanh và rất thích thú với các bài tập”.

Đội tuyển KVTT của Hà Nội hiện có 5 đôi, đều là học sinh Trường Cao đẳng Múa (Mai Dịch). Lứa VĐV này mới 12 - 13 tuổi, bởi chiến lược của Hà Nội là phải đầu tư dài hơi, cơ bản và chuyên nghiệp ngay từ đầu để nhắm đến đích là Indoor Games năm 2009. 15.000 đồng/buổi, mỗi tuần 4 buổi tập - số tiền bồi dưỡng tuy không cao nhưng các em tập rất chăm chỉ vì đây là môn được yêu thích. Ngoài lực lượng này, Hà Nội còn có một lớp kế cận, gồm 40 cháu, cũng thuộc lứa 12 - 13 tuổi, là học sinh trường Múa. Lớp này chưa được hưởng bồi dưỡng, mà chủ yếu tham gia vì được học miễn phí và có kỹ thuật cơ bản.

Dù phí bồi dưỡng Sở TDTT trả không là bao so với mức phí dạy khiêu vũ thông thường, nhưng nhiều HLV vẫn chấp nhận với mong muốn đào tạo ra một lứa VĐV KVTT chuyên nghiệp. Hồi về nước Hải Anh và Hồng Thi, cũng đã rèn các động tác cơ bản cho lứa trẻ này gần 2 tháng. Sắp tới, nhóm VĐV tuyến 2 này sẽ được tập vũ hình, BHL sẽ “nhặt” thêm một vài cặp xuất sắc trong nhóm vào đội tuyển. Theo kế hoạch, Sở TDTT sẽ mở một lớp dạy KVTT ở Cung Văn hóa Thiếu nhi vào dịp hè tới nhằm kiếm tìm thêm hạt nhân năng khiếu.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vừa “nhặt”, vừa “xây”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.