Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu từ nhận thức

Mai Hoa| 08/11/2012 05:48

(HNM) -


Chuyển biến về nhận thức: Yêu cầu cấp thiết!

Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: "Chỉ thị số 10-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ đối với hoạt động TDTT Thủ đô đến năm 2020 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, cho thấy sự quan tâm của Thành ủy về sự phát triển của TDTT". Chỉ thị đã nêu rõ yêu cầu "đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của TDTT trong sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô". Bởi dù Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về cả hoạt động thể thao quần chúng lẫn thành tích cao, nhưng nhìn chung, sự nghiệp TDTT của thành phố vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Và một trong những nguyên nhân quan trọng đã được chỉ rõ: "Một số cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và trách nhiệm trong công tác chỉ đạo phát triển TDTT. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác TDTT chưa đầy đủ; việc quy hoạch của ngành TDTT và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhất là kinh phí phục vụ cho hoạt động TDTT chưa đáp ứng yêu cầu".


Thể dục, thể thao giúp nâng cao sức khỏe và thể lực, góp phần đào tạo con người phát triển toàn diện. Ảnh: Nguyệt Ánh

"Trong bối cảnh khó khăn chung, tại sao nơi này làm tốt công tác phát triển TDTT, nơi khác lại không - suy cho cùng, điểm khác biệt bắt nguồn từ chính nhận thức, sự quan tâm của lãnh đạo địa phương đối với lĩnh vực TDTT", Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh. Chính vì vậy, muốn phát triển TDTT bền vững, không thể không bắt đầu từ việc nâng cao nhận thức.

Duy trì vị thế dẫn đầu: Nhiệm vụ không dễ dàng!

Giành được vị trí dẫn đầu đã khó, duy trì, giữ được vị thế ấy lại càng khó hơn. Chỉ thị số 10-CT/TU có ý nghĩa như "kim chỉ nam" cho việc định hướng các hoạt động trong lĩnh vực TDTT, hướng tới mục tiêu tạo bước phát triển mạnh mẽ đối với hoạt động TDTT Thủ đô đến năm 2020 để đạt được mục tiêu ấy. Triển khai thực hiện chỉ thị này, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 132/KH-UBND ngày 19-10-2012 về Phát triển TDTT Thủ đô đến năm 2020, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, phổ biến đến từng đơn vị trên địa bàn thành phố. Nhưng để thực hiện được các chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch thực sự không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Nói về thực trạng của TDTT Hà Nội, Phó Giám đốc Sở VH,TT& DL Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ: Dù phong trào TDTT quần chúng vẫn giữ vững và phát huy các thành tích đã đạt được nhưng sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, tổ chức bộ máy về TDTT của Hà Nội đến nay vẫn còn nhiều bất cập. Ở cấp thành phố, chức năng, nhiệm vụ của các phòng, ban và đơn vị sự nghiệp còn trùng lặp, chưa phân định rõ ràng, đặc biệt là giữa Phòng Thể thao thành tích cao và Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT. Ở cấp quận, huyện, thị xã, đơn vị sự nghiệp TDTT chưa thống nhất, nơi là Trung tâm TDTT, nơi lại là Trung tâm VH-TDTT. Ở cấp xã, phường, thị trấn, 100% cộng tác viên TDTT không được hưởng chế độ cán bộ chuyên môn cấp xã. Cơ sở vật chất dành cho hoạt động văn hóa - TDTT, đặc biệt là ở cấp cơ sở còn thiếu và yếu. Nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước và cộng đồng xã hội cho phát triển TDTT thấp; chưa chú trọng đầu tư cho khoa học, công nghệ và y học thể thao. Tỷ trọng đầu tư của thành phố và xã hội cho thể thao trong những năm qua tuy có xu hướng tăng, song mức độ đầu tư vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu phát triển TDTT.

Rõ ràng, thể thao Hà Nội sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để có thể giữ vững đà phát triển và vị trí dẫn đầu cả nước. Nhưng thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 10-CT/TU, bắt đầu từ sự chuyển biến về nhận thức để chuyển thành sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đầu tư cho TDTT, thể thao Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu từ nhận thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.