Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trọn vẹn với đam mê

Minh Hà| 08/03/2017 14:32

(HNM) - Chấp nhận xa nhà để 2-3 tháng mới về nhà một lần, đi tập luyện gần trăm cây số mỗi ngày là câu chuyện ở đội bóng rổ nữ Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội), đang tập trung tập luyện ở Sóc Sơn. Chỉ có đam mê mới có thể giúp họ vượt qua những khó khăn, giữ họ ở lại với đội.

Đội bóng rổ nữ Hà Nội giành HCB tại Cúp quốc gia 2017



Muôn vàn khó khăn để gây dựng lại

Lần chia tay của CLB Hàng không Việt Nam (thực chất là đội Hà Nội) với bóng rổ đỉnh cao Việt Nam cách đây gần chục năm đã khiến bóng rổ nữ Hà Nội rơi vào quên lãng trong một thời gian dài. Trước đó, sân chơi bóng rổ quốc nội từng là sàn diễn của Hàng không Việt Nam. Nhưng rồi khó khăn kinh tế cũng như bối cảnh không thuận lợi đã khiến CLB Hàng không Việt Nam biến mất trên bản đồ bóng rổ Việt Nam. Cầu thủ của đội tứ tán còn những người yêu thích bóng rổ nữ Thủ đô từng ngậm ngùi rằng không biết bao giờ mới có thể xây dựng được một đội bóng rổ nữ bách chiến bách thắng như Hàng không Việt Nam.

Phải đến đầu năm 2016, đội bóng rổ nữ Hà Nội mới được gây dựng trở lại. Phó Chủ nhiệm phụ trách bộ môn bóng rổ Hà Nội Đào Văn Kiên – người đề xuất xây dựng lại đội, từng nói rằng:” Bóng rổ Hà Nội đã phát triển lên một tầm mới, hơn hẳn chục năm trước khi số người chơi và xem bóng rổ ngày càng đông đảo. Sẽ rất lãng phí nếu không xây dựng lại một đội bóng rổ nữ để xứng với tiềm năng cũng như sự yêu thích môn thể thao này của người Hà Nội”. Ban đầu, đội bóng được xây dựng dựa trên nhiều cầu thủ trẻ và cũng chỉ tập trung tập luyện trong một thời gian trước khi tham dự các giải đấu.

Tuy nhiên, nếu làm theo cách này thì đội sẽ khó vào nhóm giành huy chương ở các giải quốc nội trong thời gian ngắn. Vì vậy, từ đầu năm 2016, một quyết định quan trọng đã được lãnh đạo Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội đưa ra là tập trung đầu tư quanh năm cho các tuyến của bóng rổ nữ Hà Nội. Khu tập luyện tại Mỹ Đình không có chỗ để đội ăn ở tập luyện tập trung nên thầy trò của đội phải chọn Nhà thi đấu Sóc Sơn làm đại bản doanh. Danh sách đội 1 của đội có nhiều thay đổi khi nhiều cầu thủ từ các tình, thành như Yên Bái, Quảng Ninh cũng như cựu cầu thủ Hàng không Việt Nam rồi Hà Nội trước đây đã đầu quân bên cạnh các cầu thủ trẻ. Cũng nhờ vậy mà ở Cúp quốc gia 2017 vừa qua, đội nữ Hà Nội đã giành ngay HCB, mở ra cơ hội giành huy chương tại ĐH TDTT toàn quốc năm 2018.

Cũng vì hai chữ “đam mê”

Trong thành phần đội nữ Hà Nội vừa giành HCB tại Cúp bóng rổ quốc gia, Nguyễn Thị Ngọc Hà thực sự là đầu tàu khi kiêm vai trò trợ lý HLV lẫn cầu thủ. Ở tuổi 34, cô gái người Yên Bái này vẫn chưa lập gia đình, vẫn mải miết đi theo niềm đam mê bóng rổ của mình. Cũng chỉ vì trót đam mê bóng rổ nên cô đã chia tay thể thao Yên Bái để xuống Hà Nội. Cô gái này cũng là một trong những trường hợp hiếm có của bóng rổ Việt Nam. Những năm gần đây, cô thường được “trưng dụng” vào bộ môn bóng ném ở Yên Bái trong khi Tổng cục TDTT vẫn triệu tập cô vào đội tuyển bóng rổ nữ quốc gia. Cuối cùng, khi Yên Bái không phát triển bóng rổ để thi đấu ở hệ thống thi đấu quốc gia, cô đã quyết định đầu quân cho bóng rổ Hà Nội để được đắm mình trong những sân chơi đẳng cấp cao nhất Việt Nam. Biết rằng bóng rổ nữ vẫn chưa có vị thế trong làng thể thao Việt Nam nhưng với cô gái này, chỉ cần được tập luyện và thi đấu bóng rổ là đủ. Còn Phó Chủ nhiệm phụ trách bộ môn bóng rổ Hà Nội Đào Văn Kiên đã nói rằng có được Nguyễn Thị Ngọc Hà là may mắn cho bóng rổ nữ Hà Nội vì cô gái này không chỉ giỏi về chuyên môn (hiện tại còn kiêm thêm huấn luyện chuyên sâu cho lứa trẻ nữ Hà Nội) mà còn có khả năng tập hợp người khác.

Cũng một phần nhờ sự xuất hiện của Nguyễn Thị Ngọc Hà mà nhiều VĐV trước đây của Hà Nội đã quay lại với đội. Họ đã làm nhiều công việc sau khi đội nữ Hàng không Việt Nam giải tán nhưng khi có cơ hội quay lại với môi trường thể thao trước đây là nắm bắt ngay mà không quản ngại khó khăn về địa lý khi tập luyện. Trong số này, VĐV Nguyễn Lê Vân từng là trụ cột của Hàng không Việt Nam. Đội giải tán, cô đành đi làm nghề khác mà gần đây nhất là HLV thể dục thể hình. Hay VĐV Nguyễn Mai Huyền cũng từng làm nghề kế toán. Đến khi quyết định quay lại tập luyện bóng rổ, có những VĐV đã lập gia đình, có con như Nguyễn Mai Huyền, Nguyễn Hương Liên. Họ là những VĐV  rất vất vả khi đi lại  phải “sáng đi, chiều về” từ nội thành đến Nhà thi đấu Sóc Sơn và ngược lại. Nếu không đủ đam mê và gia đình ủng hộ, có lẽ họ đã không thể đi theo bóng rổ như bây giờ.

Với lứa VĐV lớn tuổi là vậy, còn lớp trẻ Hà Nội ở cả 3 tuyến của nữ cũng chấp nhận cảnh xa nhà đằng đẵng. Khoảng 2-3 tháng các em lại về nhà một lần trong khi chỉ được dùng điện thoại thoải mái một buổi/ tuần. Phó Chủ nhiệm phụ trách Đào Văn Kiên nói :” Các em đang rất thoải mái với lựa chọn của mình. Đấy là điều khiến chúng tôi thực sự trân trọng các em dù  vẫn gặp nhiều khó khăn. Vấn đề vẫn là các em cần nhận được sự đầu tư thích đáng để bảo đảm giành huy chương tại ĐH TDTT toàn quốc sắp tới cũng như yên tâm theo đuổi đam mê của mình”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trọn vẹn với đam mê

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.