Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Nói không" với doping

Minh An| 15/07/2017 07:59

(HNM) - Trong ngày 6 và 7-7 vừa qua, Trung tâm Doping - Y học thể thao đã lấy 40 mẫu thử chất cấm (thường gọi là doping) đối với một số vận động viên trong Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 - năm 2017 được tổ chức vào tháng 8 tới tại Malaysia.

Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam luyện tập chuẩn bị cho SEA Games 29.



Mối lo có thật

Từ sau SEA Games 22 (năm 2003) đến nay, thể thao Việt Nam đã có hơn mười vận đông viên bị cấm thi đấu do sử dụng chất cấm trong quá trình tham gia các giải thể thao trong nước và quốc tế. Cách đây hơn 10 năm, ông Lê Quý Phượng, chuyên gia hàng đầu về y học thể thao Việt Nam đã cảnh báo, chính sự thiếu hiểu biết khiến vận động viên vô tình sử dụng chất cấm, dẫn đến khả năng bị cấm thi đấu dài hạn. Việc sử dụng chất cấm có thể dẫn đến thay đổi nội tiết, khiến vận động viên mắc nhiều bệnh khó lường, trong đó có bệnh tâm lý.

Hiện nay, sự hiểu biết về doping của các huấn luyện viên, vận động viên đã tăng đáng kể so với trước. Huấn luyện viên Bùi Xuân Hà của đội tuyển Bóng bàn trẻ quốc gia chia sẻ: "Các huấn luyện viên và vận động viên đều có hiểu biết nhất định về doping. Họ biết rõ rằng, việc cố tình sử dụng doping sẽ dẫn đến hậu quả kinh khủng, đặc biệt là về sức khỏe, tuổi thọ nghề nghiệp". Còn ông Trần Đức Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 nói: "Hình ảnh của một nền thể thao sẽ suy giảm nghiêm trọng nếu xuất hiện nhiều vận động viên sử dụng chất cấm. Vì vậy, ngành Thể thao đang đẩy mạnh phòng, chống doping, tiến hành hàng loạt cuộc xét nghiệm chất cấm đối với vận động viên".

Trong thực tế, có thể thấy rõ điều mà lãnh đạo ngành Thể thao đã khẳng định. Việc thử doping đã được áp dụng đối với 26 vận động viên Việt Nam vào trước SEA Games 28 - năm 2015 và 11 vận động viên vào trước Olympic 2016. Đến năm 2017, số vận động viên trong diện phải thử doping lên tới 40 người - đều được thực hiện trước thềm SEA Games 29.

Thận trọng không thừa

Không có vận động viên Việt Nam nào sử dụng chất cấm, đó là kết luận sau hai cuộc xét nghiệm doping được tiến hành trước SEA Games 28 - năm 2015 và Olympic năm 2016. Nhưng kết quả khả quan đó không khiến ngành Thể thao chủ quan.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng chia sẻ: "Sẽ không thừa nếu liên tục tuyên truyền để các huấn luyện viên và vận động viên hiểu rõ ý thức phòng, chống doping. Nguyên tắc sử dụng thuốc, thực phẩm phải được tuân thủ tuyệt đối để tránh những "tai nạn" đáng tiếc khi vận động viên vô tình sử dụng chất cấm. Ngoài ra, chúng tôi luôn quán triệt quan điểm, không đạt thành tích bằng mọi giá, trong đó có việc sử dụng chất cấm vì điều này đi ngược lại nguyên tắc của thể thao".

Các lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam tham gia những kỳ đại hội thể thao quốc tế gần đây luôn khuyến cáo vận động viên tuyệt đối không mua thuốc để tự điều trị. Trước SEA Games 29, nguyên tắc nói trên đã được nhắc lại, đặc biệt với những vận động viên đang tập huấn dài hạn ở nước ngoài. Mỗi khi cần dùng thuốc, vận động viên phải thông qua bác sĩ và chỉ sử dụng khi được phép. Huấn luyện viên đội tuyển Bi sắt quốc gia Đặng Xuân Vui cho hay: "Trong những ngày vừa qua, ban huấn luyện đội tuyển luôn nhắc nhở vận động viên phải chú ý sử dụng thuốc, không để lặp lại bài học đau lòng trong quá khứ. Điều quan trọng là họ phải tự bảo vệ bằng sự hiểu biết của mình. Tiếp đó, huấn luyện viên phải sâu sát để tránh xảy ra việc vô tình sử dụng chất cấm".

Ngoài việc tuyên truyền, vận động, giám sát, hàng loạt giải pháp phòng, chống doping khác đã được triển khai, trong đó có việc xét nghiệm chất cấm ngẫu nhiên đối với vận động viên; giám sát kỹ nguồn thực phẩm được đưa tới các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia cũng như các địa điểm tập huấn khác. 40 vận động viên đã được xét nghiệm doping trước thềm SEA Games 29, đó là nỗ lực lớn của ngành Thể thao Việt Nam bởi hiện tại, để đưa một mẫu thử ra nước ngoài xét nghiệm, chúng ta phải trả ít nhất là 300 USD. Dù tốn kém nhưng đây là việc cần làm bởi khi thử ngẫu nhiên sẽ khiến các vận động viên khác phải thận trọng hơn trong sử dụng thuốc, thực phẩm cũng như trong sinh hoạt hằng ngày.

Như Tổng Cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng đã khẳng định: "Kinh phí của ngành Thể thao có thể không đáp ứng yêu cầu thử doping đối với tất cả vận động viên dự SEA Games 29, nhưng ít ra thì việc thử chất cấm đối với 40 người cho thấy quyết tâm phòng, chống doping của thể thao Việt Nam. Ở khía cạnh khác, hy vọng rằng việc đó sẽ có tác động tích cực đến ý thức của vận động viên, giúp họ xác định giành thành tích cao bằng chính sự nỗ lực, khổ luyện chứ không phải nhờ các biện pháp can thiệp không chính đáng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Nói không" với doping

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.