Theo dõi Báo Hànộimới trên

Luật hóa để định rõ trách nhiệm

Minh Quang| 22/07/2017 07:25

(HNM) - Trong cuộc làm việc gần đây giữa Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với UBND TP Hà Nội về thực hiện Luật Thể dục, thể thao cũng như đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này, vấn đề phân định trách nhiệm trong xây dựng các công trình tập luyện thể dục, thể thao cấp cơ sở được chú ý đặc biệt.

Thừa đất, thiếu công trình

Ở quận Nam Từ Liêm, phường Mễ Trì (trước năm 2014 là xã Mễ Trì) được tiếng chăm chút cho phong trào thể dục, thể thao. Có điều, như cán bộ văn hóa - xã hội ở đây chia sẻ, nếu tận dụng hiệu quả hơn nữa phần diện tích đất được quy hoạch để làm nhà văn hóa cũng như sân tập luyện thể dục, thể thao thì phong trào còn mạnh hơn nữa. Hiện tại, phường có 15 tổ dân phố nhưng mới có 7 nhà văn hóa, điểm tập luyện. Trong số này, không ít hạng mục được sử dụng chung cho 2 tổ dân phố.

Khu đất dự kiến làm Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Mễ Trì giờ vẫn là ruộng rau. Ảnh: Minh An


Ở khu vực giáp chân cầu vượt Mễ Trì - Trung Văn hiện vẫn còn khoảng đất rộng hàng nghìn mét vuông mà chính quyền địa phương “nhắm” để làm nhà văn hóa, điểm tập luyện cho người dân tổ dân phố số 1 và số 6 Mễ Trì Thượng. Tuy vậy, đến giờ mảnh đất đó vẫn để không, được tận dụng làm bãi trông giữ xe tạm thời. Ông Đỗ Tuấn Anh, cán bộ văn hóa - xã hội phường Mễ Trì nói: "Người dân mong có nhà văn hóa và sân tập thể thao lắm. Nếu bãi đất trống kia biến thành chung cư hay công trình thương mại... sẽ khiến người dân lâm vào cảnh “trắng” nơi tập luyện".

Ở phường Mễ Trì, một số tổ dân phố khác cũng lâm vào cảnh có đất mà không có sân tập. Có nơi, quỹ đất dành cho những hạng mục này đã bị lấn chiếm gần hết. Tổ dân phố số 5 Mễ Trì Hạ thì đang chờ điều chỉnh quy hoạch dải cây xanh gần nghĩa trang để có đất xây dựng công trình. Ngay như Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường Mễ Trì đến nay vẫn chưa thể xây dựng dù đã có quỹ đất với diện tích khoảng 5.000m2 và dự án có từ năm 2007...

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Nam Từ Liêm cho biết, nhiều tổ dân phố trên địa bàn quận vẫn thiếu điểm tập luyện dù vẫn còn quỹ đất. Vấn đề là phải có quy định cụ thể để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng...

Từ "mênh mông" đến cụ thể

Trong cuộc làm việc cách đây chưa lâu giữa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với TP Hà Nội về thực hiện Luật Thể dục, thể thao, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội Ngọ Duy Hiểu đã dùng từ “mênh mông” khi nhắc đến quy định “Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm xây dựng các công trình thể thao công cộng...” trong Luật Thể dục, thể thao. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, điều này không ràng buộc trách nhiệm cụ thể của các cấp chính quyền.

Thực tế, dù Luật Thể dục, thể thao chưa quy định cụ thể vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho mảng thể thao quần chúng nhưng tại Nghị định số 112/2007/NĐ-CP hướng dẫn và quy định chi tiết một số điều của Luật Thể dục, thể thao có nêu: “Ủy ban nhân dân các cấp bảo đảm nguồn lực để xây dựng các công trình thể thao công cộng tại địa phương... Mỗi thôn, làng, ấp, bản phải có sân tập thể thao đơn giản; mỗi xã, phường, thị trấn phải có ít nhất một công trình thể dục, thể thao...”. Hà Nội cũng vận dụng những quy định này để đề ra định hướng quy hoạch phát triển thể dục, thể thao TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030: “Đến năm 2020, về cơ bản các xã, phường, thị trấn (trừ các phường thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) có đủ cơ sở thể dục, thể thao cho mọi người, gồm sân vận động, nhà luyện tập, sân tập, bể bơi và khu vui chơi cho trẻ em đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; xây dựng mỗi thôn 1 nhà văn hóa kết hợp với khu luyện tập thể thao theo quy hoạch nông thôn mới và quy định hiện hành”.

Dù vậy, Luật Thể dục, thể thao sửa đổi vẫn cần có quy định cụ thể hơn về đầu tư cơ sở vật chất cho lĩnh vực này. Cũng trong cuộc họp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cũng cho rằng, phải có quy định cụ thể về số lượng cũng như diện tích tối thiểu của điểm tập luyện ở mỗi thôn, tổ dân phố.

Dưới góc nhìn khác, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Văn Tuyết cho rằng, chỉ khi được luật hóa cụ thể, phân định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp về đầu tư cơ sở vật chất thì mới có thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng những công trình này cho người dân. Đây là điều đặc biệt quan trọng với những nơi còn quỹ đất, giúp chính quyền có điều kiện thực hiện mục tiêu xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc tập luyện.

Việc sửa đổi giúp Luật Thể dục, thể thao gần cuộc sống hơn. Khi trách nhiệm các cấp được phân định rõ, được cụ thể hóa thì những câu chuyện không vui về quỹ đất dành cho thể dục, thể thao có lẽ sẽ không còn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật hóa để định rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.