Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phong tục đẹp ngày Tết

Thanh Phong| 29/01/2012 06:53

Tết cổ truyền gắn với nét phong tục đậm đà bản sắc dân tộc. "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh", "Mùng Một Tết cha, mùng Hai Tết mẹ, mùng Ba Tết thầy", thói quen khai bút, hái lộc, lì xì chúc Tết, du Xuân…

Ngày nay, Tết tuy đã có sự khác ít nhiều nhưng không vì thế mà chúng ta quên đi ý nghĩa của những phong tục đẹp trong ngày Tết Nguyên đán. Các em hãy cùng "Mỗi tuần một câu hỏi" tìm hiểu xem trong các ý kiến dưới đây, ai là người hiểu đúng về phong tục độc đáo trong ngày Tết của dân tộc ta nhé.

Em Nguyễn Thị Mai (học sinh lớp 10, Trường THPT Cao Bá Quát):

- Em thích nhất là những ngày trước Tết được cùng mẹ dọn dẹp nhà cửa, rửa lá, vo gạo để gói bánh chưng, giúp mẹ làm cỗ cúng Giao thừa… Tết là dịp để gia đình sum vầy, đoàn tụ và tưởng nhớ đến tổ tiên. Do đó, những người họ hàng, bạn bè thân thiết thường đến nhà nhau chúc Tết. Bố, mẹ dạy, vào những ngày Tết em phải lễ phép chào hỏi, chúc Tết khi đến chơi nhà mọi người và biết nói cám ơn khi được mừng tuổi, tặng quà. Mùng Ba Tết, em cùng các bạn trong lớp cũng đến nhà thầy cô để chúc Tết. Không chỉ tới chúc Tết các thầy cô mình đang theo học, chúng em còn đến thăm những thầy, cô giáo cũ. "Tết thầy" vẫn là một phong tục truyền thống mà thế hệ học trò chúng em luôn nhớ mãi.

Em Trần Minh Quân (học sinh lớp 9, Trường THCS Tô Hoàng):

- Đối với em, Tết là dịp vui chơi thỏa thích, tha hồ đi chơi hoặc thức đến khuya để chơi game, đọc truyện tranh mà không lo bố, mẹ mắng, lại còn được nghỉ học và được bố mẹ mua nhiều đồ mới. Trong dịp Tết, bố mẹ cũng đưa em đi chơi, thăm hỏi chúc Tết ông bà, họ hàng, thế nên em nhận được rất nhiều tiền mừng tuổi của người lớn. Đây là phong tục mà em thích nhất, hễ có khách khứa đến nhà chơi là em phải "vòi" ngay tiền lì xì. Đêm Giao thừa, em cùng các bạn trong xóm cũng tổ chức "hái lộc", thế nên cứ đến sáng mùng Một là mấy dãy cây bàng, cây hoa sữa trơ trụi, xơ xác hẳn… Em chỉ biết cành đào hay cây quất treo đèn nhấp nháy thôi chứ ít nhà còn bày "cây nêu", "câu đối đỏ" lắm.

Chị Hoàng Phương Hoa (phụ huynh học sinh, Hà Nội):

- Tôi vẫn còn nhớ không khí chuẩn bị đón Tết cùng gia đình trong những năm tháng tuổi thơ với kỷ niệm khó quên, những nét đẹp truyền thống được lưu giữ mãi trong ký ức qua hình ảnh nồi bánh chưng nghi ngút khói, những buổi lăng xăng cùng mẹ đi chợ Tết… Tuy nhiên, trẻ con bây giờ không phải ai cũng được tận hưởng những giây phút hạnh phúc quý báu đó. Vì mải cuốn theo nhịp sống bận rộn nên có bậc cha mẹ vô tình làm mất đi cơ hội đón Tết đúng nghĩa của con trẻ. Nhiều trẻ nghĩ đơn giản dịp Tết là được nghỉ học, được đi chơi nhiều nơi, ăn các món ăn ngon, nhận nhiều tiền lì xì, quần áo mới mà không hiểu rõ giá trị của ngày Tết.

Ngày nay, tuy nhiều phong tục cổ truyền đã mai một nhưng không phải vì thế mà người lớn không thể kể cho trẻ nghe về những phong tục ấy. Hãy giúp các con hiểu hơn về nguồn cội bằng việc nói về ý nghĩa ngày Tết dân tộc qua chính những hình ảnh câu đối đỏ, cây nêu, bánh chưng, gắn với một câu chuyện cổ tích nào đó, hoặc cùng dẫn trẻ đi thăm Văn Miếu, chùa chiền, bảo tàng, ngắm hội chợ Tết, chợ hoa… Được như vậy là giúp trẻ tiếp cận và hiểu rõ hơn về phong tục đẹp trong những ngày Tết cổ truyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong tục đẹp ngày Tết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.